Chiều Chủ nhật 31/3 vừa qua, Tọa đàm “DẠY CON TUỔI MẦM NON – Triết lý và phương pháp để hình thành NHÂN TÍNH – QUỐC TÍNH – CÁ TÍNH trong bối cảnh mới đã diễn ra thật ấm cúng với sự có mặt của các phụ huynh cùng TS. Giản Tư Trung, Hiệu trưởng Trường doanh nhân PACE & Viện trưởng Viện giáo dục IRED và Th.S Nguyễn Hồng Kim Ngọc, Hiệu trưởng Trường mầm non NIDO Montessori.
“Nuôi con thời hoang mang” – TS. Giản Tư Trung mở đầu với bối cảnh mới của thời đại ngày nay. Chắc ba mẹ có nhiều băn khoăn và lo lắng khi nuôi con trong một thời đại diễn ra nhiều thay đổi chóng mặt, khi khoảng cách hai thế hệ ba mẹ – con cái ngày càng xa nhau và không phải ba mẹ nào cũng có thể “bước vào miền tinh thần” của con để chia sẻ. Cho nên, sự kết hợp giữa nhà trường và cha mẹ để cùng thống nhất về quan điểm giáo dục con lại càng cần thiết.
Tại tọa đàm, ông gợi ý chân dung con người Việt Nam trong bối cảnh mới gồm ba đặc tính “nhân tính, quốc tính và cá tính”, tức là một con người “rất nhân loại, rất dân tộc và cũng rất là chính mình.” Giai đoạn mầm non là để “khai tâm”; với một phương pháp giáo dục tốt, nói ngắn gọn, cần giúp con sống “chăm chỉ” và “lương thiện”.
Từ đó, cô Nguyễn Hồng Kim Ngọc nhấn mạnh chúng ta cần tránh tình trạng “nuôi gà công nghiệp” trong giáo dục mầm non, những em bé bị “đút mớm” cho béo mập mà phần tinh thần thì èo uột. Như trong một bữa ăn tại lớp học Montessori, chúng ta không làm công việc là ép con ăn cho đủ khẩu phần; mà một bữa ăn sẽ bắt đầu với việc tự chuẩn bị bàn ăn, gấp khăn ăn cho các bạn, thể hiện lòng biết ơn khi có bữa ăn đủ đầy, để con ăn theo cách thưởng thức những trải nghiệm vị giác, hay con biết dọn dẹp thức ăn rơi vãi. Chúng ta không làm thay hay áp đặt những mong đợi của người lớn lên con, mà giúp trẻ phát triển tính tự chủ – độc lập như bà Maria Montessori đã nói thay cho những đứa trẻ: “Help me do it myself/ Hãy giúp con tự làm.”
Tọa đàm kết thúc với những điều thật chạm và những gợi mở giúp ba mẹ bớt áp lực nuôi con ngày nay cũng như hướng tới một đích đến giáo dục đầy nhân văn cho con trẻ.