-
Môi trường học
Môi trường lớp học tập trung vào hai nhu cầu cơ bản của trẻ trong giai đoạn này: xây dựng mối quan hệ gắn kết và an toàn giữa trẻ và người lớn (con và các cô) & giúp con phát triển nhận thức về bản thân và sự tự lập.
Không gian được thiết kế với nội thất ấm cúng và học cụ phù hợp theo độ tuổi để con có thể tự do di chuyển và khám phá môi trường theo tốc độ riêng của con. Ví dụ như các thanh vịn gắn tường, gương, giường trên sàn mang lại sự hỗ trợ và thoải mái cho con trong vận động và quan sát bản thân mà không bị cản trở. Chỉ khi con không bị cản trở thì các kỹ năng cần thiết mới có thế phát triển nhanh chóng.
-
Phương pháp giáo dục
Trong phương pháp Montessori, sự độc lập, phát triển thể chất và phát triển ngôn ngữ cho trẻ sơ sinh được ưu tiên chú trọng. Điều này đạt được nhờ có một lớp học mở và trang thiết bị an toàn được tính toán một cách khoa học (nơi các con không bị cản trở bởi các vật dụng như cũi và xe tập đi) và giáo viên được đào tạo để hỗ trợ các nhu cầu của con đúng cách.
Các khía cạnh phát triển được hỗ trợ theo một ngày điển hình của con tại lớp Chích Bông:
1. Kỹ năng vận động tinh và phối hợp tay-mắt
Đây là kỹ năng rất cần thiết cho sự phát triển của trẻ sơ sinh. Con được phát triển những kỹ năng này thông qua các hoạt động thao tác với học cụ. Bao gồm việc cầm nắm, với tới và thao tác các đồ vật để giúp con tích cực tương tác với môi trường xung quanh.
Bằng cách thực hành những thao tác này, con sẽ xây dựng được sự khéo léo, khả năng kiểm soát và độ chính xác trong các hoạt động cơ nhỏ của mình. Những hoạt động này chuẩn bị cho con tiếp nối các kỹ năng cao hơn trong tương lai, nuôi dưỡng tính độc lập và tăng cường sự tự tin trong các công việc hàng ngày.
2. Kỹ năng vận động thô
Các kỹ năng này hỗ trợ cho sự phát triển toàn diện của con vì liên quan đến việc sử dụng các cơ lớn cho các hoạt động như bò, trườn, nâng người, đứng, bước đi và leo trèo. Các con được phát triển các kỹ năng này thông qua vận động cùng với các trang thiết bị hỗ trợ phù hợp. Khi đạt được những kỹ năng này, con không chỉ tự tin mà trí thông minh và khả năng đánh giá rủi ro còn được tăng cao.
3. Ngôn ngữ
Người giáo viên tạo ra môi trường ngôn ngữ phong phú và các tương tác có ý nghĩa. Các con tích cực tham gia vào nhiều hoạt động khác nhau, gọi tên đồ vật, trong đó cô giáo đóng vai trò quan trọng bằng cách cung cấp từ vựng và tham gia vào các cuộc trò chuyện, bài hát, thơ ca và đọc sách cùng con (dù con chưa thể nói thành lời). Đồng thời, giáo viên luôn thông báo, mô tả cho con với thái độ tôn trọng trong các hoạt động hỗ trợ con như ăn uống, đi ngủ, thay bỉm, thay quần áo…để giúp con thẩm thấu ngôn ngữ hàng ngày tự nhiên nhất.
Các con được tham gia vào các hoạt động thúc đẩy các kỹ năng tự chăm sóc bản thân và tham gia vào các công việc đơn giản góp phần chăm sóc môi trường xung quanh. Những hoạt động này thúc đẩy tính độc lập, phát triển giác quan, trách nhiệm và tôn trọng môi trường của các con, tạo nền tảng vững chắc cho sự tăng trưởng và phát triển toàn diện của các con.
-
Lịch trình một ngày
Nhà trường đón trẻ và ăn sáng từ 7h30 và trả trẻ trong khung giờ từ 16-17h hàng ngày. Sau khi ăn sáng, các con chơi trong vườn tự do và đi ngủ theo giấc riêng của mình.
Tiếp đó, các con khám phá các hoạt động Montessori trong lớp học đến giờ ăn trưa lúc 11h. Các con ngủ trưa từ 12h-14h, linh hoạt theo từng trẻ. Các con ăn xế và tiếp tục hoạt động trong lớp học đến giờ về.