06/03/2024 - 20 phút đọc
> Giáo dục Montessori
Tính di truyền và Sự kiến tạo
Chia sẻ

Bài giảng thứ 5 – Những Bài thuyết giảng ở London năm 1946
11 tháng 9 năm 1946

Phần quan trọng nhất của nghiên cứu tâm lý học ngày nay là nghiên cứu về đứa trẻ trong giai đoạn đầu đời, đặc biệt là trong ba năm đầu tiên.

Tiếp theo giai đoạn đầu tiên (từ lúc được sinh ra đến ba tuổi) là giai đoạn từ ba đến sáu tuổi. Ba đến sáu tuổi là thời điểm mà tất cả những gì đạt được từ khi sinh ra đến ba tuổi, được hình thành thông qua các trải nghiệm với thế giới bên ngoài. Khi trẻ lên sáu, chúng ta có được một con người trưởng thành. Chúng ta cần phân biệt và suy ngẫm về hai thứ khác nhau trong sự phát triển của một con người.

Trước khi đặt câu hỏi về sự phát triển, chúng ta phải đặt câu hỏi về sự tồn tại, sự kiến tạo. Trước khi đứa trẻ tồn tại, chúng không tồn tại. Nếu chúng ta không tồn tại, chúng ta không thể phát triển. Đó là một câu đố hay một phép màu? Khởi đầu của sự tồn tại này là một phép màu, bởi vì không có con người nào tồn tại trước đó, nhưng sau đó thì con người tồn tại. Đây là một điều rất đáng chú ý. Trong giai đoạn đầu tiên trẻ phải tự hình thành chính mình. Đây là giai đoạn quan trọng nhất trong tất cả các giai đoạn, bởi vì mọi thứ đều xuất phát từ đó. Đứa trẻ mới sinh ra này đã tồn tại trong giai đoạn phôi thai. Điều này cũng thật kỳ diệu, vì từ một tế bào, một tế bào với khả năng và trí tuệ bí ẩn của chính nó, tất cả các cơ quan của cơ thể đều được hình thành. Không chỉ hình dạng mà chức năng của các cơ quan cũng được hình thành. Chức năng này chứa đầy sự bí ẩn. Thật kỳ diệu!

Khi một đứa trẻ sơ sinh xuất hiện trên thế giới, chúng có cơ thể nhưng không có trí thông minh. Một sự thật ấn tượng nhất đó là đứa trẻ sơ sinh của con người lại xuất hiện với vẻ ngoài yếu ớt như thế. Các động vật sơ sinh có vú khác không có một hình dáng đáng thương như vậy, chúng cũng không vô thức, hay không có khả năng hiểu biết. Ví dụ, khi một con bê được sinh ra, nó có thể chạy trong ngày hôm đó và tự tìm mẹ của mình. Nó tìm mẹ khi cần thức ăn. Nó biết tự tìm thức ăn ở đâu. Nó có một động lực thúc đẩy thật tuyệt vời. Một con ngựa con chỉ mới một ngày tuổi đã có đôi chân dài thật dài. Rất dài! Tại sao chân chúng lại dài đến thế? Là để phục vụ cho việc chạy. Những cái chân dài để chuẩn bị cho quá trình chạy. Con ngựa con chạy khắp nơi. Đây là đặc tính cơ bản của ngựa – chúng có thể chạy rất nhanh. Vì vậy, nếu so sánh với đứa trẻ sơ sinh của con người thì những con vật nhỏ này thật thông minh. Chỉ cần xem một con khỉ con mới được một đến hai ngày tuổi. Nó sẽ chạy khỏi khỉ mẹ và khỉ mẹ phải gọi nó về. Nó có thể tự giữ chặt cơ thể mẹ mình khi khỉ mẹ leo trèo. Nó có một cái đầu rất linh hoạt; nó nhìn ngắm mọi thứ xung quanh một cách vô cùng thích thú. Nó rất khác với con người – giống loài duy nhất có những con non yếu ớt như vậy. Đây là một thực tế đáng chú ý nhất.

Một số người nói rằng con người phát triển từ loài khỉ. Cũng đúng – có thể là như vậy – có một sự tương đồng với loài khỉ, loài khỉ với khuôn mặt xấu xí và cánh tay dài. Nhưng tôi không thể tưởng tượng người nguyên thủy có một đứa trẻ sơ sinh có thể chạy nhảy khỏi người mẹ, để người mẹ phải gọi nó về. Đứa trẻ của con người phải luôn giống như bây giờ, bởi vì đây là đặc điểm của loài người: đứa trẻ không thể di chuyển, không thể ngẩng đầu lên, đứa trẻ không thể tự mình lật lại, đứa trẻ như một gánh nặng đối với người mẹ đến nỗi bà không thể làm gì ngoài việc yêu thương chúng. Nếu người nguyên thủy phải chiến đấu với con hổ răng kiếm và voi ma mút và đồng thời bảo vệ đứa con của mình! Thì họ đã làm điều đó như thế nào?

Nếu bạn muốn tin rằng loài người là một thứ hoàn toàn khác với các loài động vật khác, thì chỉ cần nhìn vào đứa trẻ của con người. Đứa trẻ này thực sự rất khác với con non của các loài động vật khác – một đứa trẻ bất lực, nằm thụ động, và câm lặng. Trẻ không có trí thông minh giống như cách bạn mong đợi những đứa con của một giống loài vĩ đại như con người cần phải có. Trẻ không có ngôn ngữ. Tất cả con non của các động vật khác đều có một số ngôn ngữ giống với bố mẹ của chúng (ví dụ, mèo con ngay lập tức bắt đầu nói ngôn ngữ của mèo), nhưng đứa trẻ sơ sinh của con người không có gì – không có ngôn ngữ, không có khả năng kiểm soát chuyển động, không có chuyển động có chủ đích. Em bé chỉ mở mắt, bú bằng miệng và đó là tất cả những gì em bé có thể làm. Sau hai năm trẻ có thể chạy, nhưng không chạy giỏi bằng một con ngựa non. Tuy nhiên, trẻ hai tuổi có thể nói và hiểu khi người khác nói. Trẻ có thể phân biệt mọi thứ trong môi trường – cái bàn với cái ghế, bố hay mẹ, anh hay chị, hoa và cây hoặc các hộp quà – tất cả mọi thứ. Bây giờ trẻ mới giống như một con người mới sinh.

Điều gì đã xảy ra trong hai năm này? Một vài điều tuyệt vời nào đó đã xảy ra. Trẻ đã tạo ra tất cả điều này. Những thứ không tồn tại trước đây và bây giờ, chúng tồn tại. Vì vậy, chúng ta phải kết luận rằng: hai năm đầu đời, trẻ dành thời gian cho việc kiến tạo sự phát triển tâm lý tinh thần hơn là sự phát triển thể chất – trẻ kiến tạo năng lực và trạng thái ý thức. Mọi thứ được kiến tạo trong giai đoạn này và sau đó Tự nhiên sẽ hoàn thiện và củng cố những gì đã được kiến tạo ra. Vì vậy, chúng ta phải phân biệt được sự khác nhau giữa giai đoạn kiến tạo, hình thành với giai đoạn không có gì, giai đoạn phát triển. Đây là hai giai đoạn khác nhau. Vì lý do này, giai đoạn đầu tiên của cuộc đời là giai đoạn quan trọng nhất. Nếu có điều gì bị bỏ sót trong quá trình kiến tạo tại thời điểm đó, thì nó sẽ bị bỏ sót mãi mãi. Khi giai đoạn này kết thúc, trẻ sẽ mất đi nguồn sức mạnh này.

Trong giai đoạn phôi thai, điều quan trọng là mọi thứ phát triển một cách chính xác. Nếu có một chút sai sót, kết quả sẽ là một sự dị dạng. Tự nhiên hoạt động theo lô-gíc của riêng nó và bảo vệ cho giai đoạn quan trọng này. Vậy nên chúng ta cũng phải bảo vệ đứa trẻ. Ngay từ giây phút đầu tiên, sự sống phải được phát triển một cách đúng đắn nhất. Cũng rất hợp lý nếu đứa trẻ trong giai đoạn kiến tạo tâm lý tinh thần cần những điều kiện tốt nhất và cần tất cả những gì có thể giúp ích cho sự phát triển của chúng. Nếu quá trình kiến tạo này bỏ sót điều gì đó thì những khiếm khuyết kéo theo sẽ được biểu hiện về sau. Ngày nay, mọi người dành rất nhiều sự quan tâm cho giai đoạn này.

Mọi người nói về tính di truyền và cho rằng nó là một phép màu. Nhưng thuật ngữ di truyền giống như chất chloroform1, nó che mờ sự hiểu biết. Tính di truyền là một từ có thể giải thích được mọi thứ và cũng che phủ mọi thứ. Động vật có sức mạnh di truyền, tức là xu hướng hành động theo những cách nhất định. Con ngựa chạy nhanh – đây là đặc tính đặc biệt của nó. Một số động vật đào hang sống trong đất và cũng có những con khác sống trên cây. Mỗi động vật có một số thích nghi đặc biệt với môi trường. Động vật có được đặc tính đặc biệt của chúng thông qua sự di truyền, không còn gì hơn; chúng bị giới hạn ở đặc tính di truyền của mình. Nhưng cuộc đời của con người thì không như vậy. Con người có thể làm mọi thứ. Con người có thể phát triển một ngôn ngữ của con người, như tiếng Anh hoặc tiếng Ý – chứ không phải là một ngôn ngữ cụ thể của riêng loài người. Một đứa trẻ Ấn Độ không nói tiếng Phạn bởi sự di truyền. Mỗi trẻ sẽ thấm hút ngôn ngữ của chính môi trường chúng sống. Chúng ta gọi ngôn ngữ này là tiếng mẹ đẻ, nhưng đây không phải là thuật ngữ đúng, bởi vì nếu mẹ chúng đã chết, hoặc nếu đứa trẻ được tách ra khỏi bố mẹ và sống ở một quốc gia khác, trẻ vẫn sẽ tiếp nhận ngôn ngữ của quốc gia đó chứ không phải ngôn ngữ của quốc gia mà bố mẹ chúng đang sống.

Sự khác biệt về lối sống và phong tục của các dân tộc khác nhau là do con người có một khả năng to lớn trong việc thay đổi hành vi của mình nói chung. Đứa trẻ bất động ngay từ lúc mới sinh ra hẳn là phải có khả năng tiếp nhận bất cứ thứ gì có trong môi trường của chính mình. Trẻ phải có khả năng tiếp nhận các đặc tính tâm lý, không phải của con người nói chung, mà là của môi trường trẻ đang sống. Vì vậy, những sự tiếp nhận này là công việc của trẻ chứ không phải là một tài sản được thừa hưởng.

Chúng ta có thể thấy rằng đứa trẻ có khả năng kiến tạo tâm trí của con người. Không phải là một người kiến tạo, mà trong một chừng mực nào đó thì trẻ chính là người sinh ra điều này. Cha mẹ không phải là người kiến tạo nên đứa trẻ, mà là người sinh ra đứa trẻ – điều kiện cần thiết cho sự kiến tạo này. Hãy nhìn xem cha mẹ quan trọng như thế nào với trẻ, cha mẹ có quyền gì đối với đứa trẻ, họ đáng được tôn trọng như thế nào. Nhưng họ không mang đến cho đứa trẻ sự thông minh; điều này được xây dựng bởi chính đứa trẻ. Do đó, đứa trẻ là người kiến tạo ra món quà quý giá nhất mà Tự nhiên đã ban tặng cho con người. Hãy tôn trọng những cơ thể nhỏ bé bất động này vì sức mạnh của một đứa trẻ là khởi đầu của mọi thứ.

Không còn nghi ngờ gì nữa, trẻ chắc chắn phải có những khả năng tương ứng với tính di truyền: không phải ngôn ngữ, mà là khả năng để học một ngôn ngữ, không phải sự kiểm soát chuyển động, mà là khả năng để đạt được sự phối hợp. Trẻ có khả năng hấp thụ thông tin từ môi trường của mình thông qua các giác quan. Tự nhiên ban cho trẻ những khả năng này. Có được chúng, trẻ có thể đạt được bất cứ điều gì mình muốn một khi đã có được những trải nghiệm cần thiết từ môi trường của mình. Nó giống như phim ảnh chụp có độ nhạy sáng. Nếu có ánh sáng, một hình ảnh có thể được phản chiếu lên phim và cố định ở đó. Bản thân phim không có hình ảnh, nó chỉ có khả năng ghi lại hình ảnh.

Trong lĩnh vực nhiếp ảnh, chính độ nhạy sáng cho phép ghi lại mọi thứ từ môi trường và cố định trên bề mặt phim. Điều này khiến chúng ta suy nghĩ về những năng lực tự nhiên. Tôi không chỉ gọi đây là một thước phim. Tôi gọi nó là một tinh vân2 đầy sáng tạo, một tinh vân có sự sống. Bất cứ điều gì cũng có thể được thực hiện miễn là môi trường thuận lợi.

Một đứa trẻ không thể nói lúc hai tuổi nếu chúng không nghe mọi người nói. Trẻ chỉ có thể thấm hút ngôn ngữ nghe được từ môi trường. Trẻ phải được lắng nghe ngôn ngữ; trẻ phải nghe tên gọi của mọi thứ. Càng nhìn và phân biệt được nhiều hơn, thì tâm trí của trẻ sẽ càng trở nên phong phú hơn. Trẻ có thể sống trong hai năm và ghi lại rất ít hình ảnh, hoặc sống trong hai năm và ghi lại rất nhiều hình ảnh. Điều này phụ thuộc vào môi trường của trẻ và cuộc sống mà chúng trải qua. Nếu không diễn ra như trên thì chắc hẳn đây sẽ là một phép màu. Những ghi nhận này cũng là phép màu nhưng là những phép màu có tính lô-gic. Điều gì khiến trẻ có thể ghi nhận được những hình ảnh và ngôn ngữ này? Có phải là nhờ giáo dục, giáo viên, hay người mẹ của trẻ? Không, cuộc chinh phục này là của chính đứa trẻ. Có phải có một người thầy nói với trẻ, “Đây là nước, đây là một cái ly, đây là bông hoa, v.v.? Nếu có một người thầy chỉ ra những điều này cho một đứa trẻ lên ba, theo như cách trên thì trẻ sẽ nói, “Con đã nhìn thấy thế giới, giờ đây con đã có sức mạnh để phân biệt tất cả những điều này”.

Hãy tưởng tượng một giáo viên không biết gì về sự phát triển của trẻ nhưng lại cố gắng dạy các âm tiết cho một em bé sáu tháng. Nếu cô ấy phát âm rõ ràng các âm tiết, nói ba ba ba ma ma, v.v. , và yêu cầu em bé lặp lại những gì cô vừa nói, em bé sẽ không làm được điều đó, nhưng sau một thời gian, em bé sẽ có thể hiểu tất cả những gì cô giáo nói, mà không cần sự can thiệp của cô. Nếu chúng ta định nói với một em bé rất nhỏ “Bây giờ con hãy mặc quần áo và ngồi lên chiếc xe đẩy của con, cha mẹ sẽ đưa con ra ngoài”, có thể em bé sẽ nói “Không”, vì em bé đã hiểu. Em bé đã tự học điều này. Trẻ có khả năng học, hiểu, nhận biết, v.v. , không chỉ về mặt lý thuyết, mà còn theo một cách thực tế và tích cực. Trẻ học bằng cách nhìn nhận và lắng nghe. Trẻ nghe thấy một cái tên và hiểu nó có nghĩa là gì. Trẻ sẽ tập nói từng chút, từng chút một để có thể tự nói. Trong tự nhiên, có phải là có một trường học như vậy? Trong tự nhiên, có phải là có một giáo viên đã dạy cho trẻ những âm tiết này, những âm tiết giống nhau đối với mọi trẻ em trên toàn thế giới?

Tất cả trẻ em trên toàn thế giới đều đạt được những điều tương tự ở cùng độ tuổi. Trẻ bắt đầu tập đi cùng một thời điểm, trẻ bắt đầu thốt ra những âm tiết cùng một lúc. Sáu tháng tuổi, tất cả trẻ bắt đầu tự ngồi dậy. Khi được một tuổi và hai tháng, tất cả trẻ đều trải qua một giai đoạn giống nhau. Như thể Thượng Đế đã tổ chức một cuộc thi cho tất cả những đứa trẻ ở độ tuổi này, trên khắp thế giới, để chúng bắt đầu bước đi. Như thể Thượng Đế nói với từng trẻ đứa rằng: “Con có thấy xấu hổ khi không bước đi như những người khác không?” Trẻ thấy xấu hổ vì đã không tuân theo. Trẻ dốc hết năng lượng của mình để tuân theo sự thôi thúc hãy bước đi. Tất cả sức mạnh của sự sống nằm bên trong đứa học trò ngoan ngoãn của Tự nhiên này, và vì thế trẻ có khả năng đạt được sự vĩ đại. Trẻ có khả năng tự giáo dục chính mình, nhưng không phải trong các trường học điển hình với các giáo trình chính xác, không phải nơi mà trẻ phải luôn vâng lời, mà tại một trường học mà nơi đó không có sự kiểm soát, không phải cạnh tranh, nơi trẻ có thể làm việc với sự nhiệt tình của mình theo một quy luật tự nhiên. Nếu không biết những luật này và tôn trọng chúng, thì chúng ta có nguy cơ làm hỏng công việc tuyệt vời này của trẻ.

Đây là trách nhiệm của chúng ta – không được làm hỏng các quy luật vĩ đại của Tự nhiên và nỗ lực trong mỗi đứa trẻ. Giáo viên phải trở thành người phục vụ cho Tự nhiên. Điều cao cả nhất giáo viên có thể làm là phục vụ. Điều tốt nhất giáo viên có thể làm là trở thành người phục vụ hoàn hảo, thể hiện sự tôn trọng, quan tâm, và khiêm tốn. Kế hoạch của người giáo viên phải là nuôi dưỡng cuộc sống – một nguồn sức mạnh chứa đầy trí tuệ và khả năng. Trẻ sơ sinh là một thực thể bất động, nhưng thực thể bất động này có khả năng và chúng ta sẽ phải ngạc nhiên trước nó. Chúng ta cần giữ một quan điểm rằng chúng ta cần phải làm những gì có thể để nuôi dưỡng sự kiến tạo của con người.

Ngày này, mọi người bắt đầu quan tâm đến trẻ sơ sinh. Có những ấn phẩm nói về việc quan sát một em bé trong tuần đầu tiên của cuộc đời. Tuần đầu tiên này đầy bất ngờ như một chuyến phiêu lưu! Có rất nhiều điều để viết hết về những gì có thể quan sát được trong năm đầu tiên hoặc thậm chí là trong tháng đầu tiên; và nó cũng quá nhiều thông tin để viết ra, đủ để lấp đầy một cuốn sách khoa học vĩ đại.

Giai đoạn này giống như một tinh vân. Những tinh vân không nhất quán hay tương xứng với nhau, chúng hình thành các chòm sao và các chòm sao đi theo quỹ đạo của chúng mãi mãi. Đây là một điều kỳ diệu và vô cùng thú vị. Những ngôi sao này đến từ đâu? Chúng ta có thể thấy những tinh vân này không? Chúng ta khó có thể làm được như thế, bởi vì có đến hàng tỷ tinh vân.

Đứa trẻ, người kiến tạo ra con người, cũng nên được chúng ta quan tâm nhiều hơn. Nghiên cứu về tâm hồn của một con người sẽ cực kỳ thú vị. Tính cách trong tương lai của trẻ còn quan trọng hơn so với một ngôi sao trên bầu trời. Xã hội phải chú ý đến trẻ, phải dành nhiều sự quan tâm, chăm sóc và tôn trọng việc chăm sóc và giáo dục trẻ nhỏ. Chúng ta phải nhận ra rằng không cần bất kỳ sự hướng dẫn giảng dạy nào cả, mà hãy quan tâm đến việc hỗ trợ sự phát triển tự nhiên. Đây là trách nhiệm của nhân loại, trách nhiệm chăm sóc đứa trẻ nhỏ, vì mọi thứ phụ thuộc vào giai đoạn này. Chúng ta phải quan tâm, chăm sóc và dành tình cảm cho trẻ; chúng ta phải có một mong muốn lớn lao làm một điều gì đó, không chỉ vì chính đứa trẻ, mà còn vì sự kỳ diệu vĩ đại của Tự nhiên.

Đối với chúng tôi, trẻ sơ sinh là một cơ thể, là thành quả của phôi thai và phôi thai vật chất này tạo ra đời sống tâm lý tinh thần của con người. Trẻ phải làm cho mọi thứ trở nên tồn tại và do đó tất cả những gì chúng ta làm phải giúp đỡ trẻ thực hiện công việc này.

Mỗi chi tiết trong cuộc sống của trẻ đều có những nguyên tắc, những luật lệ bí ẩn. Mỗi chi tiết đều quan trọng, vậy nên chúng ta phải tôn trọng mọi thứ, ngay cả khi thấy nó có vẻ không hợp lý.

Chúng ta không biết được hệ quả; chúng ta không phải là những người thẩm phán, mà là những người phục vụ Tự nhiên.

Chỉ cần một sự thay đổi nhỏ trong quá trình trao đổi chất của giai đoạn phôi thai cũng gây ra sự thay đổi lớn trong cơ thể. Một chút không hoàn hảo trong giai đoạn phôi thai có thể để lại những ảnh hưởng khủng khiếp trong cơ thể sau này. Chúng ta phải tuân theo quy luật tự nhiên của sự phát triển, hãy là những người phục vụ tử tế và vâng lời Tự nhiên.

Chúng ta hãy quan sát một đứa trẻ rất nhỏ và tìm hiểu xem mình có thể biết gì về các giác quan của trẻ.

Đầu tiên, giác quan quan trọng nhất là khứu giác. Nó nằm bên trong lỗ mũi. Lỗ mũi mở cả ngày lẫn đêm, chúng không đóng lại khi ta ngủ. Lỗ mũi rất quan trọng, vì nó là một trong những phương tiện phòng thủ tuyệt vời của con người. Ngay cả trong giấc ngủ, lỗ mũi cũng sẽ cảnh báo con người về sự nguy hiểm – ví dụ nếu có hỏa hoạn xảy ra. Mũi là một cơ quan rất quan trọng vì nó luôn ở trong tình trạng báo động.

Vị giác cũng rất quan trọng. Bạn có thể nghĩ rằng đây là một giác quan rất vật chất, nhưng sự sống đòi hỏi phải được nuôi dưỡng để sống sót và tồn tại. Mũi là phương tiện hướng dẫn. Hãy nhìn vào loài chó, chúng có thể nhận biết bằng mũi của mình; trí thông minh của loài chó nằm ở mũi của chúng. Mũi cho phép chúng ta nhận biết thực phẩm, đánh giá xem thực phẩm trong môi trường có ăn được hay không. Chỉ những động vật thuộc loại ưu việt mới chọn thức ăn từ môi trường bằng mũi!

Xúc giác nằm trên toàn bộ cơ thể.

Ba giác quan này được gọi là các giác quan sinh dưỡng. Chúng là các giác quan kết nối với các cơ quan sinh dưỡng.

Đôi mắt ghi nhận ánh sáng, v..v.., nhưng thực tế không phải như vậy. Phản ứng của mắt không giống như mũi, mũi nhận ra những thực phẩm cần thiết cho cuộc sống.

Các nhà tâm lý học nói rằng nếu có âm nhạc và tiếng ồn, đứa trẻ sẽ vẫn thờ ơ với cả hai, bởi vì giác quan của thính giác phát triển ở giai đoạn sau.

Tất cả những giác quan này đều xuất hiện ở trẻ ngay từ đầu. Nếu chúng có trong đứa trẻ, thì hẳn chúng phải ở đó vì một vài mục đích nhất định và vậy nên, những giác quan này rất quan trọng.

Khi chúng ta cho đứa trẻ một bình đầy sữa với một núm cao su để mút, chúng ta đặt trẻ nằm xuống và để bé bú. Giờ đây, rõ ràng trẻ cần sữa nếu trẻ muốn sống. Tự nhiên ban cho trẻ cảm giác yêu thích sữa và sữa nuôi dưỡng cơ thể và cơ thể chúng trở nên mập mạp. Nhưng khi đứa trẻ được cho ăn một cách tự nhiên (bú sữa mẹ), trẻ không chỉ được nuôi dưỡng. Mà trẻ còn cần mẹ; sự kết nối với người mẹ giúp đứa trẻ phát triển đời sống tâm lý tinh thần. Trẻ phát triển một điều gì đó trong cuộc sống. Do đó, vị giác là một cảm giác quan trọng. Bằng cách bú sữa, mối quan hệ giữa mẹ và con được củng cố mạnh mẽ hơn. Một mối quan hệ tràn đầy tình yêu và tình yêu là một nguồn năng lượng trong Tự nhiên. Trong Tự nhiên, con người ôm đứa trẻ vào lòng là vì đứa trẻ cần phải được bế. Không được để trẻ nằm trong cũi cả ngày, vì việc người mẹ nên ôm đứa trẻ vào lòng của mình là một quy luật tự nhiên. Có một ý nghĩa sâu xa hơn nữa. Đây là một sự chuẩn bị cho phần tính cách đang được định hình trong tương lai.

Con người đã bắt đầu nghiên cứu nhiều đề tài khoa học, nhưng chỉ mới bắt tay vào nghiên cứu đề tài quan trọng này, về sự phát triển tâm lý tinh thần của con người như một môn khoa học.

Người dịch: Lê Thị Thu Vân – Giáo Viên Montessori Khóa 1 do Trung tâm Montessori Ấn Độ (IMC) đào tạo.
Hiệu đính: Đội dịch Trung Tâm Montessori Việt Nam (VMC)

  1. Clorofom, hay còn gọi là triclomêtan và mêtyl triclorua, và một hợp chất hoá học thuộc nhóm trihalomêtan có công thức CHCl3. Nó không cháy trong không khí, trừ khi tạo thành hỗn hợp với các chất dễ bắt cháy hơn. Người ta sử dụng clorofom làm chất phản ứng và dung môi. Clorofom còn là một chất độc với môi trường (theo Wikipedia) ↩︎
  2. Tinh vân là những đám mây của các vật chất liên sao, sự kết tụ mỏng nhưng lan rộng của khí và bụi. Nếu chúng đủ to và đủ lớn thì thường trở thành nơi các ngôi sao được hình thành ↩︎