Trẻ cần biết con được phép làm và không được làm gì. Những giới hạn có thể dự đoán được sẽ giúp con cảm thấy an toàn và cho con một hình mẫu về hành vi chấp nhận được.
A. TẠO MÔI TRƯỜNG VỚI CÁC GIỚI HẠN RÕ RÀNG
Việc thiết lập giới hạn cho trẻ có thể rất khó khăn. Là cha mẹ, chúng ta bị ảnh hưởng bởi những gì mình đã được phép làm khi còn nhỏ và những giới hạn mà cha mẹ đặt ra cho mình. Chúng ta cũng bị ảnh hưởng bởi những gì các bậc cha mẹ khác cho phép con cái họ làm và vì thế, chúng ta liên tục cố gắng tìm ra sự cân bằng phù hợp. Điều quan trọng là phải tìm ra điểm cân bằng giữa việc quá nuông chiều và quá nghiêm khắc.
Đừng luôn nói “có”. Đôi khi có vẻ dễ dàng hơn khi để con làm theo ý mình vì khi đó trẻ sẽ ngừng khóc và có vẻ vui vẻ, nhưng nếu chúng ta luôn nói “có” với trẻ, con sẽ trở thành những người không chấp nhận được giới hạn. Một đứa trẻ với sự tự do vô hạn có thể trở thành một người lớn không chấp nhận quyền hạn của giáo viên, của người lớn khác, người chủ công ty và thậm chí là luật pháp.
Đừng luôn nói “không”. Mặt khác, nếu chúng ta luôn nói “không”, trẻ sẽ trở thành những người không có khả năng suy nghĩ và tự quyết định cho chính mình.
B. KẾT NỐI CON VỚI CÁC GIỚI HẠN NÀY
Thiết lập giới hạn hiệu quả nhất khi con cảm thấy bạn hiểu và tôn trọng chúng. Đôi khi, cha mẹ cố gắng dạy dỗ bằng cách nói, chỉ dẫn và ra lệnh cho con. Nhưng đôi khi hành động có giá trị hơn lời nói. Những cái ôm, nháy mắt, nụ cười, và việc yên lặng quan sát các hoạt động của con, gửi đi thông điệp rằng con đang đi đúng hướng. Đôi khi chỉ cần đưa tay ra hoặc hỏi con có cần giúp đỡ không, là đủ. Tương tự, một cái nhíu mày hoặc cau mày có thể thể hiện sự không hài lòng, tốt hơn là la hét và tức giận. Sau đây là một số cách tiếp cận có thể giúp ích.
1. Sử dụng đồ gia dụng và đồ chơi đúng mục đích
Chỉ con cách dùng đồ chơi. Nếu con ném đồ chơi xếp hình, hãy nói: “Con hãy nhẹ nhàng với đồ chơi nha”, rồi nhặt một miếng và thử đưa vào đúng chỗ trống cho đến khi nó khớp. Đôi khi trẻ ném đồ theo hứng thú, nhưng điều đó không có nghĩa là con phá hoại, và cũng thường dễ hướng con sang hoạt động mang tính xây dựng. Nếu trẻ tiếp tục ném đồ chơi, có lẽ trẻ muốn nói với bạn rằng trẻ muốn ném cái gì đó và bạn có thể chuyển hướng bằng cách nói: “Hãy ra ngoài ném bóng nhé”.
Sử dụng đúng chức năng của đồ vật. Hãy làm mẫu cho trẻ cách sử dụng đúng chức năng của đồ vật bằng cách chỉ cho trẻ rằng “Ghế là để ngồi, giường là để ngủ và bàn là để ăn”. Nếu trẻ nhảy lên giường, hãy nói: “Giường là để ngủ. Con có thể nhảy ở ngoài”. Đảm bảo rằng những quy tắc này áp dụng cho tất cả mọi người, không chỉ riêng với con. Bạn cũng không nên đứng trên ghế!
2. Làm mẫu, tạo ra và duy trì trật tự
Hướng dẫn con cách cất dọn đồ chơi. Chỉ để vài món đồ chơi trên kệ và luân phiên thay đổi từ tủ quần áo hoặc tủ bếp, để khu vực chơi luôn tươi mới và gọn gàng. Nếu bạn làm gương trong việc cất đồ đạc, con bạn cuối cùng cũng sẽ làm theo. Trẻ hai tuổi thích sự trật tự và muốn thế giới của mình có trật tự. Trẻ sẽ dần hiểu được vị trí của mọi thứ và đến ba tuổi sẽ có khả năng tự cất đồ về chỗ cũ trong hầu hết thời gian. Bạn có thể giúp con bằng cách vui vẻ nói: “Ba/Mẹ không biết các khối gỗ sẽ nên để đâu khi mình chơi xong nhỉ?” Một môi trường ngăn nắp sẽ hỗ trợ trẻ trong việc cấu trúc tư duy của chính mình.
Làm điều bạn muốn con làm. Hành động của bạn quan trọng hơn lời nói. Nếu bạn muốn con chỉ ăn khi ngồi ở bàn, không phải khi đang đi lại, khi nói chuyện điện thoại hay trong xe hơi, bạn cũng cần làm điều đó. Con không thể hiểu được nếu bạn có thể làm khác. Nếu con đứng lên trong bữa ăn hoặc bắt đầu chơi với thức ăn, hãy nói: “Ba/Mẹ thấy con đã ăn xong rồi”, và dọn thức ăn đi. Việc học cách ngồi lại bàn khi ăn sẽ dần dần giúp con tăng khả năng kiểm soát các xung động của mình.
Đặt ra một số khu vực không-được-vào. Nếu bạn thiếp lập một số khu vực tuyệt đối không được vào, thì bạn giảm thiểu xung đột. Ví dụ, bạn có thể sử dụng chức năng khóa trẻ em đối với các tủ bếp để con không lấy được gia vị, và bạn sẽ không phải khó chịu nếu con làm vậy!
3. Sử dụng ngôn ngữ tích cực để chuyển hướng
Diễn đạt yêu cầu của bạn bằng những câu khẳng định, chứ không phải phủ định. Khi bạn đang nấu ăn, hãy nói: “Bột được cho vào tô” thay vì “Đừng ném bột xuống sàn”.
Khi đưa ra yêu cầu với một đứa trẻ hai tuổi, hãy nói điều bạn muốn con làm. Thay vì ra lệnh “Con hãy xuống khỏi bàn đi” khi con đang leo trèo trên bàn, hãy bế con xuống và nói “Chân phải ở trên sàn nhé”.
Khi con muốn leo trèo và chạy nhảy trong nhà, hãy đảm bảo con có nhiều cơ hội được ra ngoài. Khi con chạy trong nhà, hãy nói với giọng dễ chịu “Đây là cách chúng ta đi bộ trong nhà” và đi bộ cùng con để làm mẫu.
Nếu con muốn mua kẹo trong siêu thị, bạn có thể nói “Hôm nay chúng ta mua táo”. Điều này giúp giữ sự tập trung vào việc bạn đang làm thay vì những gì bạn không làm. Thường thì, khi con muốn cầm các đồ vật từ xe đẩy mua sắm, con đang tìm cách biết tên của đồ vật đó. Bạn có thể cung cấp thông tin bằng cách nói “Con có muốn cầm táo không? Quả táo màu đỏ. Con có ngửi thấy mùi của táo không? Chúng ta hãy mua bốn quả táo. Con có thể giúp mẹ cho táo vào xe đẩy không?” Việc mô tả những gì con đang nhìn thấy hoặc đang làm sẽ cung cấp cho con một loạt từ ngữ và cụm từ, giúp con tập trung vào những gì đang diễn ra và đánh lạc hướng khỏi điều con vừa muốn một lúc trước.
4. Tránh những kích thích quá mức
Sẽ luôn có những lúc con khó kiểm soát bản thân, đặc biệt khi đói, mệt hoặc bị kích thích quá mức. Một vài nhà hàng và cửa hàng có thể kích thích quá mức đối với một đứa trẻ nhỏ. Người lớn có khả năng lọc bỏ ánh sáng chói hay âm thanh hỗn tạp, nhưng trẻ nhỏ vẫn đang phát triển những khả năng này.
Tránh cho con dùng caffeine, quá nhiều đường và tiếp xúc với tivi bao gồm cả máy tính và điện thoại di động.
C. DÀNH THỜI GIAN
Giới hạn sẽ thay đổi khi con lớn lên, phát triển và có thể tự chịu trách nhiệm nhiều hơn với bản thân mình. Bạn sẽ phải phát triển cùng với con và tự điều chỉnh, vì những gì phù hợp với trẻ 1 tuổi có thể không còn là giới hạn phù hợp cho trẻ 3 tuổi. Việc điều chỉnh cùng con rất quan trọng để con cảm thấy bạn tin tưởng con, và điều này sẽ giúp con có được sự tự tin để tự thiết lập giới hạn cho bản thân khi con lớn lên.