23/12/2023 - 15 phút đọc
> Giáo dục Montessori
The Tao of Montessori – Chương 7
Chia sẻ

THE TAO OF MONTESSORI – CHAPTER 7

Thánh nhân đặt mình ở sau cuối;
Và thấy mình ở nơi uy quyền.
Người tách mình ra khỏi tất cả;
Vì thế người hợp nhất với vạn vật.
Người không nghĩ đến bản thân.
Người hoàn toàn mãn nguyện.

Khi người giáo viên trả lời câu hỏi “Vì sao bạn quyết định trở thành nhà giáo?” Hầu hết câu trả lời đều là sự khác nhau của “Bởi vì tôi yêu trẻ.” Đó là một nền móng thật khác thường, rất khác với các ngành nghề khác, để cảm thấy say mê với công việc chúng ta làm, đến nỗi chúng ta thường sẵn sàng làm việc với đồng lương thấp và ít được công nhận. Việc dạy học, với hầu hết chúng ta, sẽ thỏa mãn nguồn lực nào đó ở bên trong, được thúc đẩy bởi các mối quan hệ cá nhân của chúng ta với những đứa trẻ mà chúng ta chăm sóc. Tuy nhiên, một câu hỏi thiết thực hơn có lẽ là, “Vì sao bạn yêu trẻ?”

Chính trong câu trả lời cho câu hỏi này, chúng ta nhận thấy những trở ngại khó chinh phục hơn, chúng ta nhận thấy phần nào đó trong mối quan hệ của chúng ta với trẻ khiến công việc của chúng ta là về chính mình thay vì về trẻ. Chúng ta yêu trẻ, hay chúng ta yêu cách trẻ khiến chúng ta cảm nhận về bản thân? Phương pháp Montessori đòi hỏi sự tận lòng vị tha đối với trẻ. Trong sự tận lòng này, có rất ít chỗ trống cho niềm mưu cầu thỏa mãn bản thân trong sự chấp nhận, sự tán thành, và tình yêu từ trẻ. Khi phụng sự trẻ, chúng ta cũng từ bỏ việc thỏa mãn chính bản thân mình. Do đó, việc biết một đứa trẻ “thích tôi” hay thực sự “yêu tôi” trở nên ít quan trọng hơn nhiều so với việc biết rằng chúng ta đã quan sát trẻ và chuẩn bị môi trường thích hợp nhất cho sự phát triển của đứa trẻ.

Khi chúng ta tách biệt nhu cầu được công nhận của mình khỏi công việc của chúng ta với trẻ, chúng ta có thể phụng sự tốt hơn cho những đứa trẻ mà mình chăm sóc. Chúng ta có thể tập trung chính xác hơn vào nhu cầu của trẻ, bởi vì chúng ta không hòa lẫn nhu cầu của chính mình và làm vấy đục nước. Chúng ta có thể quan sát trẻ mà không thành kiến, chuẩn bị cho trẻ mà không phụ thuộc vào lịch trình của mình, và tôn trọng trẻ vì chính trẻ chứ không phải vì trẻ khiến chúng ta cảm thấy mình là ai. Việc yêu thương trẻ tự nó đã là một sự công nhận cho tấm lòng yêu thương của chúng ta.

Vậy, chúng ta có xem việc giảng dạy là một gánh nặng không? Chúng ta có đang từ bỏ cảm giác thỏa mãn bản thân trong quá trình thực hành không? Dĩ nhiên là không! Tất cả việc giảng dạy, và việc giảng dạy theo phương pháp Montessori nói riêng, lôi cuốn chúng ta vì nó lấp đầy những mảnh ghép trong trái tim của chúng ta. Nếu chúng ta không tìm thấy sự hoàn thiện trong công việc của mình, chúng ta có thể sẽ rời bỏ công việc. Nhưng ưu tiên phụng sự trẻ và tách biệt nhu cầu của bản thân là thắng lợi đặc biệt ở phương pháp Montessori. Những phẩm chất mà chúng ta nhận diện được ở đứa trẻ được bình thường hóa thể hiện khi trẻ thoát khỏi mọi trở ngại của người lớn, kể cả những trở ngại có vẻ như là yêu thương. Lớp học trở nên vận hành tốt hơn, lành mạnh hơn và cân bằng hơn khi chúng ta gạt bỏ nhu cầu của bản thân ra khỏi trẻ. Trẻ trong sự chăm sóc của chúng ta luôn tồn tại sự bình yên, động lực nội tại và tính xã hội khi chúng ta ngừng yêu cầu trẻ làm hài lòng chúng ta, và thay vào đó cho phép trẻ tuân theo hướng dẫn nội tại của chính mình. Tình yêu đích thực và quên mình dành cho trẻ sẽ xoay quanh tình yêu đích thực ta dành cho chính ta, nếu ta có thể chấp nhận bản thân mình đủ để không có nhu cầu đòi hỏi sự chấp nhận từ trẻ nữa, lúc đó, ta mới có thể trao cho trẻ tình yêu vô điều kiện. Thật vậy, kết quả thật rõ ràng. Đứa trẻ đã được yêu thương mà không mong đợi được đền đáp mới có khả năng trao tình yêu thương cho những người khác. Đứa trẻ mà việc chấp nhận của mình bị bó buộc trong việc đáp ứng nhu cầu của người khác sẽ được dạy một bài học khác về bản chất của tình yêu thương.

“Việc biết những gì chúng ta phải làm không phải là điều cốt yếu và cũng không phải là điều khó khăn, nhưng để hiểu thấu đáo những suy đoán và định kiến viển vông mà chúng ta cần phải loại bỏ để có thể giáo dục trẻ mới là điều khó khăn nhất.” – Montessori

Nguồn: The Tao of Montessori: Reflections on Compassionate Teaching – Catherine Mctamaney
Người dịch: Cô Yên – Giáo viên Lớp Sẻ Hồng – Trường mầm non Nido Montessori & Cô Vũ Thị Thanh Nhàn – Giáo viên Montessori 3-6