27/01/2024 - 10 phút đọc
> Giáo dục Montessori
Sự Phát Triển Của Tính Xã Hội Trong Lớp Học Montessori
Chia sẻ

Có nhiều cha mẹ lo lắng khi nghe nói rằng các em bé Montessori rất độc lập nhưng lại ít khi được làm việc nhóm, học cách tương tác với các bạn khác, ngại con không phát triển về mặt giao tiếp xã hội. Nhưng thực ra, rất nhiều hoạt động trong lớp học Montessori diễn ra theo cặp, theo nhóm và cả lớp.
Các con cùng nhau nghe cô đọc sách và trò chuyện về chủ đề đó. Các con cùng lắp ráp bản đồ với nhau; các trò chơi số học luôn cần một nhóm. Trong lớp học trộn độ tuổi 3-6, các anh chị lớn tuổi hơn luôn giúp đỡ những em nhỏ những việc em chưa thể làm, các con cùng nhau giải quyết một bất đồng xảy ra…
Các con đang sống trong một xã hội thu nhỏ mà những cảm xúc cao quý về lòng trắc ẩn, sự tương trợ, sự lắng nghe, sự học hỏi lẫn nhau, sự tôn trọng về ranh giới của người khác là những trải nghiệm chứ không phải những lời răn dạy đạo đức.
Mời các bạn cùng đọc trích đoạn sau đây trong Tác phẩm “Tâm trí thẩm thấu” của Bà Maria Montessori để cùng tìm hiểu tính xã hội được nuôi dưỡng như thế nào trong một lớp học Montessori.

——–
“Trong một lớp nhiều trẻ chỉ có một bộ cho mỗi loại học cụ. Nếu đứa trẻ muốn sử dụng một học cụ nào đó mà học cụ đó đang được sử dụng, đứa trẻ đó không thể làm được, và nếu đứa trẻ ấy đã được bình thường hóa thì em sẽ biết cách chờ đến khi trẻ khác đã làm xong học cụ đó. Từ đó một số đức tính xã hội nhất định mà có tầm quan trọng rất lớn được hình thành, ví dụ như trẻ biết cách tôn trọng những học cụ đang được sử dụng bởi trẻ khác, không bởi vì ai đó bắt trẻ phải làm như vậy, mà đơn giản là vì đứa trẻ ấy phải chờ, đây là một hiện thực mà đứa trẻ nhận thấy được bằng sự trải nghiệm về mặt xã hội. Có rất nhiều trẻ, nhưng chỉ có một học cụ, điều duy nhất có thể làm là chờ đợi. Khi điều này diễn ra hàng giờ, hàng ngày, hàng năm, sự trải nghiệm về việc tôn trọng và chờ đợi sẽ đi vào đời sống của mỗi đứa trẻ như một sự trải nghiệm chín muồi theo thời gian.

Từ đó sự chuyển hóa và thích nghi sẽ xảy ra và đó là gì nếu không phải là quá trình xây dựng đời sống xã hội? Về cơ bản, xã hội không được hình thành dựa trên sở thích, mà dựa trên sự kết hợp của những hoạt động mà chúng phải hòa hợp với nhau. Bằng những trải nghiệm của đứa trẻ, một phẩm chất đạo đức xã hội khác được phát triển: lòng kiên nhẫn. Lòng kiên nhẫn là một hình thức chống lại những thôi thúc. Do đó những đặc trưng của tính cách mà chúng ta gọi là phẩm chất đạo đức tự thân nó được tạo ra. Chúng ta không thể chỉ dạy loại đạo đức này cho những đứa trẻ ở độ tuổi lên 3, nhưng sự trải nghiệm có thể làm điều đó. Trong khi sự bình thường hóa không đạt được bởi những đứa trẻ trong những môi trường khác, điều này đã xảy ra ở đây nhẹ nhàng hơn rất nhiều. Ở thế giới bên ngoài những đứa trẻ thường hay giành giật vào độ tuổi này, nhưng những đứa trẻ của chúng tôi đã biết chờ đợi. Người ta đã hỏi tôi: “Làm sao bà có thể lập ra loại kỷ luật này ở những đứa trẻ bé xíu thế kia?”. Đó là vấn đề của một môi trường đã được chuẩn bị và sự tự do trong môi trường đó, và nhờ đó một số phẩm chất đạo đức nhất định đã được hình thành mà điều này thường không xuất hiện ở những trẻ từ 3 đến 6 tuổi, cũng không xuất hiện ở nhiều người lớn từ 25 đến 30 tuổi!

Sự can thiệp của người lớn trong việc điều chỉnh các hành vi ứng xử xã hội thì hầu như đều sai cả. Ví dụ, hai đứa trẻ cùng đi trên một đường kẻ, một trẻ bị nhầm hướng và việc đụng vào nhau là điều khó tránh khỏi. Người lớn thường có sự thôi thúc muốn bắt một đứa trẻ đổi hướng lại, nhưng hai đứa trẻ này có thể giải quyết vấn đề riêng của chúng và chúng giải quyết mọi lúc, không phải lúc nào cũng giống nhau nhưng kết quả luôn thỏa mãn. Có rất nhiều vấn đề tương tự trong những loại hoạt động khác. Chúng liên tục phát sinh và trẻ tìm thấy rất nhiều niềm vui trong việc giải quyết những vấn đề này. Nếu người lớn chen vào sửa sai hay điều chỉnh, trẻ sẽ trở nên căng thẳng, nhưng nếu trẻ được để tự do, chúng sẽ giải quyết một cách rất nhẹ nhàng. Đây cũng là một bài thực hành về sự trải nghiệm xã hội và nếu những vấn đề phát sinh được giải quyết một cách yên bình, sẽ tạo ra những sự trải nghiệm liên tục về những tình huống xã hội mà không có một giáo viên nào có thể cung cấp hết được. Nhìn chung nếu một giáo viên can thiệp vào, người đó sẽ có một quan điểm rất khác so với quan điểm của đứa trẻ và sẽ làm xáo trộn tính hài hòa về mặt xã hội của lớp học. Nếu những vấn đề như vậy phát sinh, ngoại trừ những trường hợp ngoại lệ, chúng ta nên để yên cho trẻ và không nên can thiệp gì cả, bởi vì bằng cách đó chúng ta có thể thấy cách trẻ giải quyết vấn đề và quan sát được những tiết lộ về hành vi của thời thơ ấu, của hành vi thực sự mà người lớn không biết gì cả. Thông qua tất cả những trải nghiệm hàng ngày này, sự kiến tạo về mặt xã hội sẽ xảy ra. Thông thường người giáo viên không đủ kiên nhẫn và sẽ can thiệp vào. Thực tế, điều này mang tính bản năng mạnh mẽ đến nỗi trong những ngày đầu tiên trong công việc mình, vì các giáo viên đã không cưỡng được sự thôi thúc này, tôi đã nói: “Tự trói mình vào cây cột nhé” và có vài giáo viên đã thực hiện nó một cách máy móc. Những giáo viên khác thì thay vì làm điều này họ lại dùng một cái tràng hạt, và mỗi khi họ bị thôi thúc muốn can thiệp, và có ai đó (hoặc chính bản thân họ) phát hiện ra điều đó, họ sẽ lần một hạt. Họ cảm thấy rằng không can thiệp bao giờ cũng tốt hơn và họ đếm xem có bao nhiêu lần họ đã kiềm chế được bản thân để không làm điều này.

Những nhà giáo dục truyền thống không hiểu được công việc của chúng tôi làm cho đời sống xã hội; họ nghĩ rằng các trường Montessori chỉ tập trung vào những môn học theo giáo trình, mà không quan tâm gì đến đời sống xã hội. Họ nói rằng: “Nếu các đứa trẻ tự làm việc thì đâu là đời sống xã hội?” Nhưng đời sống xã hội là gì nếu không phải là việc giải quyết các vấn đề, các hành vi ứng xử và lập các kế hoạch để thích nghi với tất cả? Họ nghĩ đời sống xã hội là ngồi lại với nhau và lắng nghe một giáo viên hay ai đó khác nhưng đó không phải là đời sống xã hội. Thực tế ở đời sống thông thường, những trải nghiệm về mặt xã hội được giới hạn theo “từng khoảng thời gian” hoặc ở những cuộc vui chơi dã ngoại thi thoảng, trong khi trẻ của chúng tôi luôn sống và làm việc trong một cộng đồng.

Sự khác nhau về tính cách được hé lộ và những trải nghiệm khác nhau sẽ xảy ra khi có một số lượng lớn trẻ trong một lớp học. Điều này không xảy ra nếu số trẻ trong lớp quá ít. Quả thực, trẻ đã đạt những sự hoàn thiện to lớn nhất thông qua những trải nghiệm xã hội này.

Một điều thú vị khác là cách trẻ ứng xử với một sự gây rối, ví dụ như một trẻ vừa mới được nhận vào trường và chưa quen hành vi ứng xử ở trường. Đứa bé ấy thật sự gây rắc rối và là một vấn đề thực sự với những giáo viên và những đứa trẻ khác. Cô giáo ở đó sẽ nói: “Đứa bé này thật hư quá đi. Thật không ngoan gì cả, đôi khi là: “Con là một cậu bé hư đốn”, nhưng phản ứng của các đứa trẻ lại rất thú vị. Một trẻ đến gần đứa trẻ mới này và nói: “Em hư quá đi, nhưng không sao, khi các anh chị mới đi học, các anh chị cũng như em vậy thôi”. Sự không ngoan ngoãn hay hư đốn này được xem như là một điều không may và đứa trẻ cố gắng để an ủi đứa trẻ hư đó và mang đến cho đứa trẻ ấy một hình mẫu về một bé trai thực sự. Đứa trẻ thể hiện lòng trắc ẩn với em bé mới vào ấy. Một xã hội sẽ chuyển biến thế nào nếu một người lầm lỗi gợi lên lòng trắc ẩn và chúng ta sẽ nỗ lực để động viên người ấy. Lòng trắc ẩn với anh ta bây giờ cũng mang ý nghĩa như khi anh ta mang một bệnh tật về thể chất vậy. Hành động sai trái thường là một bệnh lý tinh thần do môi trường bất lợi hoặc do điều kiện lúc ra đời hoặc một số điều không may mắn. Điều ấy cần gợi lên lòng trắc ẩn và sự giúp đỡ, không chỉ là những hình phạt. Điều này sẽ giúp chuyển đổi cấu trúc xã hội theo hướng tốt hơn. Với những đứa trẻ của chúng ta, nếu một sự cố gì xảy ra, ví dụ như làm rơi bình hoa, đứa trẻ – đứa trẻ đã đánh rơi bình hoa đó thường đã cảm thấy rất buồn bã rồi, bởi vì trẻ không thích sự phá hoại và điều này cũng cho thấy sự tự ti của đứa trẻ, em đã không có khả năng để mang nó đi an toàn. Phản ứng mang tính bản năng của một người lớn sẽ nói rằng: “Con xem này nó đã vỡ rồi; sao con lại đụng vào những thứ mà cô đã bảo con không được đụng vào?” Hoặc ít nhất thì cô cũng bảo đứa bé ấy đi nhặt những mảnh vỡ, bởi vì họ nghĩ đứa trẻ sẽ học được một bài học nghiêm túc hơn nếu em ấy phải dọn dẹp những hậu quả của sự cố này. Nhưng những đứa trẻ sẽ phản ứng thế nào? Tất cả chúng đều chạy đến để giúp đỡ em; với những giọng nói líu ríu khi trợ giúp, chúng nói “Không sao đâu! Chúng ta sẽ lấy một cái ly khác”. Và một vài trẻ trong đó đã nhặt những mảnh vỡ, một trẻ khác lau dọn chỗ nước tràn trên sàn nhà. Như vậy có một bản năng đã thôi thúc trẻ giúp đỡ những kẻ yếu bằng sự khuyến khích và thông cảm và đây là bản năng của sự tiến hóa xã hội. Thực tế phần lớn những tiến hóa về mặt xã hội đã xảy ra khi xã hội đưa tay ra giúp đỡ những người yếu kém…

Mọi người đều nghĩ rằng tôn trọng loài vật là điều cần được chỉ dạy, và họ nghĩ rằng trẻ em có xu hướng hành động thô bạo với loài vật. Điều này không đúng như vậy, trẻ có một bản năng để bảo vệ loài vật. Chúng tôi có một con dê con ở một trường tại Kodaikanal. Tôi thường cho nó ăn hàng ngày và để thức ăn ở trên cao nên con vật bé nhỏ này phải chồm lên bằng hai chân sau để lấy thức ăn. Tôi rất thích xem cách con dê con chồm lên như vậy và con vật dường như tận hưởng điều này. Nhưng một ngày nọ một em bé nhỏ với nét mặt rất lo lắng, em bé đi đến và ôm con dê lên từ phía dưới mình của nó bằng hai tay của em, bởi vì em nghĩ chú dê con này không nên chỉ đứng bằng hai chân sau của mình. Đây là một tình cảm rất tinh tế.

Một biểu hiện khác trong các trường của chúng tôi là sự ngưỡng mộ dành cho những người làm tốt hơn mình. Trẻ không chỉ không thể hiện sự đố kỵ, mà những thành tựu của những trẻ khác còn khơi gợi sự ngưỡng mộ và niềm vui đầy phấn khởi. Điều này là những gì đã xảy ra trong một sự kiện nổi tiếng trong hiện tượng bùng nổ khả năng viết. Đó là thời khắc của một từ đầu tiên được viết ra và điều đó đã tạo ra niềm vui sướng to lớn và những tiếng cười vang cho trẻ và bọn trẻ nhìn đứa trẻ viết được từ đó bằng sự ngưỡng mộ và rồi ngay lập tức nó tạo cảm hứng cho tất cả bọn trẻ: “Con cũng có thể viết!” Một công việc tốt của một trẻ đã khích lệ tinh thần của toàn bộ trẻ trong môi trường.

Có một sự kết nối rõ ràng giữa những đứa trẻ dựa trên những tình cảm cao quý và do đó tạo ra một thể thống nhất trong một nhóm.”

Trích từ chương XXIII – SỰ PHÁT TRIỂN CỦA TÍNH XÃ HỘI, Sách T M TRÍ THẦM THẤU của MARIA MONTESSORI do Đinh Thị Thu Nguyệt dịch.