Trước đây, trẻ thường quan sát điều Ba mẹ em đang làm; bây giờ trẻ cố gắng bắt chước những gì họ làm. Lúc này, Ba mẹ cần hiểu rằng trẻ có xu hướng học những gì cha mẹ làm. Mặt khác, đứa trẻ hiểu rằng mình không thể bắt chước ngay được. Trước tiên cần phải có thời gian đào tạo và chuẩn bị.
Vì vậy, đứa trẻ mới độc lập sẽ không thể tự do làm bất cứ điều gì mình thích, bất cứ khi nào mình thích. Để làm được những việc người lớn làm, trẻ phải sẵn lòng nhận sự giúp đỡ của chúng ta trong việc chuẩn bị cho bản thân, và trước tiên trẻ phải học và lặp lại một số bài tập nhất định để chuẩn bị.
Đồng thời, đứa trẻ bị hấp dẫn bởi các bài tập mang tính chuẩn bị này vì chúng đại diện cho một “chu kỳ hoạt động” đầy đủ. Những chu kỳ hoạt động này không chỉ hỗ trợ trẻ bằng cách gián tiếp chuẩn bị cho trẻ những hành động sau này, mà còn giúp trẻ tập trung sâu hơn và hoàn thiện nhân cách, phát triển ở trẻ “sự kiên định và kiên nhẫn”.
Montessori nhận ra rằng việc học tập có ý nghĩa đòi hỏi sự sẵn sàng thực hiện từng bước tiếp nối nhau trong quá trình tiếp thu thông tin mới. Điều cần thiết là phải LẶP LẠI từng bước đó nhiều lần khi cần thiết để biết và hiểu được một kiến thức cụ thể có liên quan ở mức độ sâu sắc nhất. Để hoàn thành một chu kỳ hoạt động như vậy đòi hỏi trẻ phải có “sự tham gia sâu sắc”. Chính sự tham gia của toàn bộ nhân cách này là điều cần thiết cho mọi hoạt động học tập có ý nghĩa trong suốt cuộc đời.
Montessori gợi ý rằng thời điểm thích hợp để giải quyết thách thức về sự tham gia này là khi đứa trẻ lần đầu tiên đạt được hành động độc lập vào khoảng 15 đến 18 tháng tuổi. Điều trẻ cần bây giờ là “làm việc với các vật liệu có cấu trúc” theo sở thích tự nhiên của trẻ trong việc hoàn thành các chu kỳ hoạt động và bắt chước người lớn trong môi trường của mình. TRẺ CẦN NHỮNG ĐỒ VẬT CÓ THẬT VÀ LIÊN QUAN TRỰC TIẾP ĐẾN HOẠT ĐỘNG HÀNG NGÀY CỦA NGƯỜI LỚN. Montessori gọi những vật dụng này là học cụ thực hành cuộc sống.
Các bài tập thực hành cuộc sống nên liên quan đến các hoạt động sử dụng đôi bàn tay mà trẻ thấy người lớn tham gia thường xuyên trong cuộc sống hàng ngày. Ví dụ như việc bày biện và dọn dẹp bàn ăn, dỡ đồ tạp hóa khi mua từ cửa hàng về, chuẩn bị thức ăn, nướng bánh, rót nước, lau bàn, rửa bát đĩa, phân loại và gấp quần áo, lau bụi, quét và lau sàn nhà, rửa gương, đánh bóng bình hoa, đổ giỏ giấy vụn, tưới cây. Khi trẻ lớn một chút, công việc này thậm chí có thể bao gồm việc ủi quần áo, may vá, làm cỏ trong vườn và cào lá.
Các bài tập thực hành cuộc sống còn là phương tiện nổi bật để phát triển KỸ NĂNG HỢP TÁC ở người lớn và con trẻ.
Trong quá trình thực hiện một bài tập thực hành cuộc sống mỗi ngày với sự tập trung và nỗ lực vừa đủ, trẻ dần dần trở nên thành thạo hơn. Tuy nhiên, người lớn phải rất kiên nhẫn khi làm việc với trẻ em trong quá trình lâu dài để đạt đến sự hoàn thiện. Trẻ em có tất cả thời gian trên thế giới để tự hình thành; chúng không thể bị hối thúc. Người lớn chúng ta có thể học cách đem đến cho trẻ sự hỗ trợ mà trẻ cần và sau đó cho phép trẻ nỗ lực để hoàn thiện theo thời gian biểu của riêng trẻ.
Nguồn bài viết: Lược trích từ sách “Montessori từ điểm bắt đầu” – Paula Polk Lillard và Lillard Jessen, Người dịch: Đinh Thị Thu Nguyệt.