Có thể con đang trải qua thời kỳ “Khủng hoảng chống đối”
Cuộc khủng hoảng này diễn ra trong tháng thứ 30 đến 36 và kết thúc thời kì cơ bản đầu tiên trong việc xây dựng nhân cách. Nó được gọi là khủng hoảng chống đối, nhưng thuật ngữ này không được chính xác lắm vì nó thường có nội hàm tiêu cực trong khi đây lại là một thời kì rất tích cực. Khủng hoảng này cho thấy trẻ đã có một bước tiến lớn trên con đường hướng tới sự độc lập và nhân tính hóa.
Vào khoảng độ ba tuổi, trẻ đã có thể nói rất tốt và tự nói về mình với đại từ nhân xưng “Con”. Trẻ có thể di chuyển hoàn hảo, thậm chí có thể chạy, và đạt tới mức độ nhận thức chính xác về thế giới của mình. Lúc này, trẻ đã có những đặc tính điển hình của một con người và nhận thức rất rõ về mức độ trưởng thành của mình. Giờ đây, trẻ mong chờ và đòi hỏi được thừa nhận như một người lớn.
Khủng hoảng diễn ra khi trẻ bắt đầu nói “không” với hầu hết mọi thứ chúng ta đề nghị với trẻ, cho thấy trẻ có thể làm theo những cách rất khác với sự mong đợi của người lớn. Sự thay đổi này thường diễn ra đột ngột và khiến nhiều cha mẹ kinh ngạc, không còn nhận ra đó là con mình nữa.
Thực tế, điều trẻ không còn chấp nhận được nữa chính là thái độ của chúng ta, khi chúng ta vẫn tiếp tục nhấn mạnh rằng trẻ còn bé và phải làm theo những gì được bảo. Ở tuổi này, cái tôi của trẻ cần được thừa nhận và đưa ra gợi ý khi có quyết định nào đó mà trẻ quan tâm. Những quyết định này thường là đơn giản. Chúng luôn là những quyết định có liên quan tới đời sống thường ngày – như ăn uống, mặc quần áo… – nhưng ẩn sau mỗi hoạt động này chính là mối liên hệ của trẻ với môi trường.
Nếu ngay từ đầu, chúng ta đã có thể nhìn nhận khả năng của trẻ, thực hiện những hoạt động đúng đắn trong cuộc sống cùng với trẻ và tăng cường sự hợp tác của mình với trẻ thì khủng hoảng chống đối có thể sẽ không nảy sinh. Trẻ sẽ thường xuyên nhận được sự trấn an mà cái tôi của mình đòi hỏi, không cần đấu tranh để có được sự thừa nhận này.
Ví dụ, nếu chúng ta muốn đi ra ngoài với trẻ và cần mặc áo khoác, chúng ta có thể hướng về phía trẻ với tình yêu thương và sự tôn trọng, và rủ trẻ ra ngoài cùng mình, để trẻ tự lấy áo khoác, (cần được treo trong tủ quần áo vừa tầm với của trẻ), và mặc vào. Rõ ràng, điều này tốt hơn là việc vớ lấy áo khoác, thậm chí không giải thích chúng ta định làm gì, tóm lấy trẻ và cố mặc vào trong khi tuyên bố là trẻ phải đi ra ngoài.
Ở tuổi lên ba, cách hành xử như vậy có thể khơi lên sự chống đối ở trẻ. Một cuộc đấu tranh quyền lực bắt đầu diễn ra, mà thường người lớn thắng nhờ dùng bạo lực về lời nói và thể chất để dẹp tan sự chống đối, nhưng trẻ sẽ mất đi những cơ hội quý giá để cảm thấy mình đã trưởng thành và được thừa nhận như một con người có khả năng đưa ra những quyết định, được sống trong một môi trường tôn trọng ý kiến của mình. Thông điệp thực tế dành cho cái tôi của trẻ sẽ là: “Ở đây con cũng là người quan trọng, và mọi việc chúng ta làm đều cần có sự đồng thuận của con. Con hãy cân nhắc và có thể tham dự trong môi trường này.”
Nếu người lớn chịu hiểu rằng đằng sau lời nói “không” của trẻ là mong muốn được thừa nhận như một con người đã có khả năng tự giải quyết nhiều vấn đề có liên quan tới mình, họ đã có thể hỏi ý kiến của trẻ thường xuyên hơn.
Tôi không có ý nói rằng chúng ta nên để mặc trẻ tự quyết định nên làm những gì. Ý tôi chỉ đơn giản là, nếu có thể ta nên tránh việc chỉ đưa ra mệnh lệnh và chỉ có hai cách lựa chọn có và không. Chúng ta có thể hỏi, “Con có muốn mặc áo khoác hoặc áo mưa không?” – và sẵn lòng chấp nhận việc trẻ sẽ ra ngoài và mặc bất cứ loại quần áo nào mà trẻ chọn, dù chúng ta thích chọn cái khác hơn.
Trong thời kì này, điều quan trọng là giúp trẻ xác nhận tầm quan trọng của sự hiện diện của mình trong gia đình. Ngay khi trẻ cảm thấy được trấn an về điều này, trẻ sẽ ngưng nói “Không” và sẽ tiếp tục làm việc hòa đồng cùng chúng ta. Sự hợp tác thực sự chỉ có thể đến từ những người không cảm thấy bị áp đặt và có thể tự do đóng góp. Chỉ khi được tự do, chúng ta mới có thể đưa ra những lựa chọn.
Chúng ta phải học cách ứng xử với trẻ hoàn toàn khác trước khi bắt đầu thời kì chống đối này. Điều này chỉ có thể phát triển nếu chúng ta vượt qua được định kiến về trẻ vì trẻ còn quá nhỏ. Thực tế, chỉ có cơ thể trẻ là nhỏ bé, chứ không phải tâm trí và những khả năng mà trẻ có thể làm được. Môi trường sống chưa thực sự sử dụng được hết những năng lực của trẻ. Chúng ta để những con người phi thường này trong một điều kiện sống hoàn toàn lệ thuộc, không tương ứng với cả năng lực vận động lẫn những năng lực lời nói ở độ tuổi này. Có vô số những cơ hội trong đời sống thường ngày để trẻ có thể được tôn trọng, được trao cho cơ hội hiểu về những gì đang diễn ra, suy nghĩ về chúng và đưa ra sự lựa chọn. Đó là bài thực hành về năng lực ra quyết định mà mọi con người đều muốn và cảm thấy đó là điều không thể thiếu được với tư cách là một con người tự do.
“Con muốn ăn bánh quy hay thích bánh mì và mật ong hơn?”
“Chúng ta nên nấu khoai tây hay cà rốt nhỉ?”
“Chúng ta sẽ dùng khăn trải bàn màu gì nhỉ: cái màu xanh hay cái màu trắng?”
“Chúng ta sẽ đi chơi sở thú hay đi xem múa rối nhỉ?”
Rõ ràng, chúng ta không mất gì cả khi đưa ra các đề nghị về hai sự lựa chọn, bất cứ khi nào có thể, trong khi trẻ thu nhận được rất nhiều thứ, vì chúng ta thể hiện rằng chúng ta quan tâm tới khả năng chọn lựa và tôn trọng quyết định của trẻ. Đây là loại thức ăn tốt nhất cho cái tôi của trẻ và giúp trẻ tạo dựng nên cảm thức chắc chắn và đúng đắn hơn về thế giới.
Mục đích là nhằm tạo nên một con người được tôn trọng và nhờ đó biết tôn trọng người khác, tôn trọng môi trường và biết chia sẻ trách nhiệm. Về mặt cơ chế tâm lý, không có gì khác biệt giữa việc đưa ra sự lựa chọn giữa “bánh quy” và “bánh mì với mật ong, và sau này là sự lựa chọn giữa năng lượng mặt trời hay năng lượng hạt nhân. Đây là những lựa chọn chỉ có thể được quyết định đúng đắn nếu người cần đưa ra lựa chọn biết cân nhắc những hệ quả của sự lựa chọn của mình.
Trong những trường mẫu giáo của chúng tôi, chúng tôi luôn cố gắng hỏi ý kiến và những quyết định của trẻ về mọi thứ nếu có thể, trong đó trẻ được thực hành sự dân chủ về năng lực. Điều này không ngụ ý rằng trẻ có thể làm bất cứ thứ gì trẻ muốn, mà bắt đầu từ những tình huống thực tế (chúng tôi chỉ có bánh quy và bánh mì cùng mật ong nên sẽ không thể đòi hỏi điều gì khác nữa), chúng ta đưa ra một sự lựa chọn. Nếu trẻ muốn thứ gì đó mà chúng ta không có, nhưng có thể mua, thì rất đơn giản, chúng ta có thể nói rằng hiện chúng ta đang không có thứ đó, “Nhưng khi chúng ta cùng nhau đi chợ, con hãy nhắc cô và cô sẽ mua nó.” Cách ứng xử này, kết hợp giữa sự tôn trọng, cân nhắc và hợp tác, là sự đáp ứng duy nhất có giá trị đối với khủng hoảng chống đối, dạng khủng hoảng nên được gọi chính xác hơn là “khủng hoảng về sự thừa nhận cái tôi”. Đó là thời điểm chuyển tiếp lên một cấp độ phát triển cao hơn, và điều này nên khiến các bậc cha mẹ hạnh phúc hơn, nhìn nhận rằng con mình đang tiếp tục phát triển cả về tuổi, sự thông minh và sự trưởng thành cá nhân.
Vào tuổi lên ba, trẻ là một con người phi thường mà ta có thể xây dựng một mối quan hệ dần tăng tiến về chất lượng. Từ đó có thể bắt đầu con đường dẫn tới những thành quả trí tuệ quan trọng khác, như việc học đọc và lĩnh hội những năng lực văn hóa khác. Việc được tham gia và cùng chia sẻ những công việc trong đời sống thực tế giúp hoàn thiện hóa những kỹ năng vận động của trẻ, và bảo đảm với cái tôi của trẻ rằng trẻ được thừa nhận, rằng nguồn năng lượng lớn lao của trẻ có thể được sử dụng để tiếp tục học hỏi thay vì bùng nổ trong một cuộc chiến bất tận chống lại môi trường không thấu hiểu được ý nghĩa thực sự của sự chống đối đó. Có một trận chiến diễn ra trong kiểu quan hệ trong gia đình, mà ta có thể lựa chọn một hệ thống dân chủ, tin tưởng vào khả năng có thể đưa ra những lựa chọn của trẻ.
Một điều rất nguy hiểm cho tương lai nhân loại là khi chúng ta để trẻ cảm thấy rằng cuộc sống luôn đầy những xung đột, và nếu muốn thể hiện bản thân, bạn luôn phải chống lại người khác. Trách nhiệm của chúng ta đối với trẻ thơ, và do đó cũng là với tương lai nhân loại, là cung cấp cho trẻ một mẫu thức về các mối quan hệ với những người khác dựa trên sự tôn trọng cá nhân và chấp nhận việc mọi người cùng chung sống với nhau được thể hiện ý kiến và đưa ra lựa chọn. Tất cả những điều này đều bắt đầu từ rất sớm, ngay từ khi mới sinh ra. Đến tuổi lên ba, khuôn mẫu cho sự phát triển con người bên trong trẻ đã hoàn thiện. Trẻ muốn được tự do và được tôn trọng, và chúng ta nên tạo dựng nên những gia đình và cộng đồng mà ở đó, những những giá trị này được thực thi và có hiệu lực.
Thời kỳ chống đối cũng là thời kỳ trẻ bắt đầu nhận biết tốt hơn về thời gian và xây dựng một số liên hệ với quá khứ và tương lai. Bởi vậy, chúng ta cần hết sức thận trọng khi đưa ra lời hứa hẹn, và khi đã hứa thì nên giữ lời. Đây cũng là một hình thức tôn trọng ta dành cho trẻ. Nghĩ rằng trẻ còn quá nhỏ và dễ dàng quên đi những lời hứa hẹn là chúng ta đã đánh giá quá thấp những năng lực của trẻ. Khi thực sự không thể thực hiện được lời hứa thì chúng ta
phải xin lỗi và đưa ra đề nghị thay thế. Trẻ cũng rất rộng lượng và không mong chờ sự hoàn hảo ở chúng ta, cái mà trẻ muốn có là một mối quan hệ chân thành, trong đó chúng ta phải thể hiện thiện chí hợp tác của mình.
Giáo dục là một việc khó khăn, vì khi dạy trẻ chúng ta phải đối mặt với cái tôi chân thật của chính mình, và chúng ta phải tự hỏi bản thân rằng liệu chúng ta có tin tưởng vào những gì chúng ta nói không, chúng ta có tin tưởng vào tiềm năng lớn lao của mỗi con người không. Chúng ta phải thay đổi để có thể trao cho trẻ thơ, những con người đang sống cùng chúng ta, khả năng phát triển trong một môi trường có sự hỗ trợ cuộc sống.
Mọi gia đình và cộng đồng đều cung cấp giáo dục cho tất cả các thành viên trong đó, nhưng những người lớn là những người có năng lực biến đổi môi trường và họ nên dùng năng lực ấy để trợ giúp cho sự phát triển của mọi người. Sự phát triển diễn ra trong cơ thể chúng ta đạt đến một mức độ nhất định rồi sau đó ngưng lại, thì tâm trí, ngược lại, có thể tiếp tục phát triển đến tận cuối đời. Với sự trợ giúp của những người trung gian thích hợp thì mọi thứ đều có thể xảy ra. Những thời kỳ khủng hoảng là những cơ hội để thay đổi, không chỉ đối với trẻ mà đối với tất cả những ai tham dự vào việc nuôi dạy trẻ. Kết quả sẽ được đánh giá qua những năng lực thể chất và tâm lý mới cần để tiếp tục trưởng thành, và được đánh giá bằng sự phát triển không chỉ theo năm tháng, mà còn ở chất lượng cuộc sống.
Nguồn: Trích từ “Sự thật về ba năm đầu đời của trẻ” – Bác sĩ Silvana Quattrocchi Montanaro