22/09/2024 - 10 phút đọc
> Giáo dục
Hạn Chế Thời Gian Sử Dụng Màn Hình (Điện Tử)
Chia sẻ

Từng có một nội dung trong chương trình của Oprah Winfrey, các gia đình được thử thách không sử dụng các thiết bị điện tử trong một tuần, bao gồm cả tivi. Thật thú vị khi thấy mức độ khó khăn của việc này như thế nào đối với cả bố mẹ và con cái của họ. Có một cậu bé năm tuổi gần như không thể chịu đựng nổi việc từ bỏ các chơi trò chơi điện tử. Những cơn ăn vạ của cậu bé khá kịch tính. Mẹ cậu bé chia sẻ rằng bà cảm thấy xấu hổ khi nhận ra con mình đã chơi các trò chơi điện tử tới 05 tiếng mỗi ngày. Tin tốt là sau khi cả gia đình trải qua “quá trình cai nghiện truyền thông,” họ đã khám phá cách thay thế thời gian sử dụng màn hình bằng những hoạt động gia đình, giúp tăng cường sự gắn kết và niềm vui trong gia đình. 

Bạn có bất ngờ không khi biết rằng trẻ em từ 2-5 tuổi xem tivi hơn 32 giờ mỗi tuần (theo báo cáo của Nielsen)? Trẻ từ 8-18 tuổi dành hơn 53 giờ trực tuyến (online) mỗi tuần và gần 8 giờ mỗi ngày cho việc sử dụng các phương tiện truyền thông (theo báo cáo của Kaiser Family Foundation). Trong thế giới kỹ thuật số ngày nay, các gia đình tiếp xúc với thời gian sử dụng màn hình nhiều hơn bao giờ hết. Điện thoại thông minh, máy tính bảng, YouTube và trò chơi rất phổ biến như Minecraft chỉ là một vài trong số nhiều nguồn kết nối điện tử, những thứ đang cạnh tranh thời gian và sự chú ý từ cả cha mẹ và trẻ em.

Nhưng điều này có ý nghĩa gì? Nó có tốt không? Chẳng phải những đứa trẻ lớn lên với việc sử dụng phương tiện điện tử, chính là đang học kỹ năng để kết nối và cập nhật trong thế giới công nghệ hay sao? Hay việc tiếp xúc quá nhiều với công nghệ là điều xấu? Nó có ngăn cản trẻ học các kỹ năng giao tiếp quan trọng như trò chuyện trực tiếp và cách ứng xử xã hội khác không?

Có nghiên cứu chỉ ra rằng bộ não phát triển khác đi khi tiếp xúc quá nhiều với màn hình, vậy nên, đúng là thời gian sử dụng màn hình ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ. Nhưng tôi đoán là bạn không cần nghiên cứu để biết rằng con mình đang dành quá nhiều thời gian cho các thiết bị điện tử mỗi ngày; bạn biết điều này từ sự hiểu biết và trực giác của chính mình. Có thể bạn không chắc nên làm gì về vấn đề này, hoặc bạn đã lãng tránh làm điều gì đó, vì…

(1) Bạn không muốn thừa nhận rằng thật tốt khi con được giải trí một cách dễ dàng, điều này cho phép bạn có thời gian cho bản thân. 

(2) Việc yêu cầu con ngắt kết nối với các thiết bị điện tử liên quan đến “cuộc đấu tranh về quyền lực”, nên bạn thấy dễ dàng hơn khi cứ để mặc. 

(3) Bạn không nhận ra rằng việc sử dụng màn hình có tính gây nghiện. 

(4) Bạn biện minh bằng những lợi ích mà công nghệ mang lại: “Hãy nhìn tất cả những kỹ năng mà con tôi đang học được.” 

Chìa khóa nằm ở việc tìm ra sự cân bằng. Đúng là trẻ em đang theo kịp công nghệ và học những kỹ năng mới, điều này sẽ giúp ích cho cuộc sống của con. Và đúng là việc sử dụng quá nhiều phương tiện truyền thông cản trở con thành thạo những kỹ năng giao tiếp trực tiếp giữa con người với nhau. Những gì bạn có thể làm để giúp con tìm ra sự cân bằng giữa thời gian sử dụng màn hình và “cuộc sống thực” là cùng nhau thiết lập các giới hạn về việc sử dụng phương tiện truyền thông hàng ngày… bao gồm cả thời gian sử dụng của chính bạn. 

Bạn có thể đọc một số ví dụ thực tế từ SingleDadBrad. Trước tiên, hãy đọc về cách ông ấy đã hoảng loạn như thế nào khi lần đầu tiên nhìn thấy thẻ công cụ. Sau đó, đọc về cách ông ấy và các con mình đã tìm ra giải pháp phù hợp cho gia đình họ.

Hãy thử áp dụng những công cụ Kỷ luật Tích cực này để giúp quản lý thời gian sử dụng màn hình của gia đình bạn để nó không kiểm soát bạn:

(1) Tổ chức một Cuộc họp Gia đình. Hãy để cả gia đình cùng tham gia vào một kế hoạch giảm thời gian sử dụng màn hình. Một phần giải pháp nên bao gồm những việc khác có thể làm thay thế thời gian sử dụng màn hình. Việc từ bỏ một điều gì đó sẽ khó khăn hơn khi bạn không lên kế hoạch để làm những việc khác. 

(2) Tạo một “bãi đậu xe” cho các thiết bị điện tử – đặt một giỏ hoặc trạm sạc ở một vị trí trung tâm trong nhà, nơi các thành viên gia đình “đậu” thiết bị của mình trong những khoảng thời gian nhất định trong ngày. 

(3) Thiết lập thói quen mới. Bắt đầu với một thời điểm trong ngày không sử dụng màn hình (như bữa tối) và định kỳ thêm vào các thời điểm khác trong ngày. 

(4) Gần gũi với con bạn qua Thời gian Đặc biệt. Trẻ sẽ lắng nghe những giới hạn của bạn về thời gian sử dụng màn hình khi con cảm thấy được thấu hiểu và rằng bạn hiểu con. Thường xuyên dành thời gian riêng một-một (chỉ bạn và con) để giữ mối quan hệ giữa bạn và con luôn bền chặt. 

(5) Giữ vững giới hạn với Sự Tử Tế và Kiên định. Thay đổi thói quen sử dụng màn hình là điều khó khăn; hãy sẵn sàng đối mặt với sự thất vọng, tức giận và cảm xúc buồn bã. Giữ vững giới hạn của bạn bằng cách đồng cảm với cảm xúc của con và kiên trì với giới hạn mà bạn đã đặt ra.

Tác giả: Tiến sĩ Jane Nelsen
Nguồn: https://www.positivediscipline.com/articles/limit-screen-time