13/12/2023 - 13 phút đọc
> Giáo dục Montessori
Khơi dậy Tình yêu học tập thuần khiết trong môi trường Montessori
Chia sẻ

Vì sao có những trẻ vừa lên tiểu học đã chán ghét đi học? Có những thanh niên chỉ xem việc lấy tấm bằng tốt nghiệp đại học là xong? Có những người lớn không tìm thấy niềm vui nào trong việc quan sát cuộc sống như đôi mắt lấp lánh của trẻ thơ?

Chúng ta sẽ ngừng học khi không còn sự quan tâm, tò mò về những thứ xung quanh. Một tình yêu thuần khiết với việc học bắt đầu từ khao khát giải đáp các thắc mắc của chính bản thân, từ đó ta dừng lại đào sâu theo kiểu táy máy với nó, lật đi lật lại, rồi khi tìm ra câu trả lời thì một cảm giác sung sướng lan tỏa khắp cơ thể.

Trong lớp học Montessori, bạn dễ dàng bắt gặp những đứa trẻ có thể ngồi rất lâu để tương tác với một học cụ trong một tâm trí hoàn toàn tập trung và tận hưởng. Vậy làm thế nào điều này có thể diễn ra trong các lớp học Montessori?

1. Trao cho trẻ sự tự do lựa chọn và nhu cầu thôi thúc khám phá

Trong lớp học Montessori, trẻ tự do di chuyển và lựa chọn học cụ mình cảm thấy hấp dẫn. Bạn sẽ thấy có bé đang lắp ráp các bộ phận của bướm, bé đang thực hành vắt cam, bé thì nhắm mắt và cảm nhận độ thô ráp của từng miếng vải, bé khác lại đang ghép các con số với gậy số, một bé lại đang làm việc với những chữ cái di động… Vì trẻ được tự do lựa chọn nên học là hành trình tìm tòi khám phá chủ động từ nhu cầu của trẻ. Trẻ học vì một mong muốn và niềm vui thuần khiết là hiểu biết chính mình và thế giới xung quanh chứ không chịu áp lực ngoại tại từ người lớn.

2. Quan sát và lập ra lộ trình phát triển phù hợp cho từng trẻ

Người giáo viên trong lớp học Montessori được chuẩn bị về mặt kiến thức triết lý, kỹ năng và tinh thần để trở thành người quan sát tinh tế và người hướng dẫn tận tụy. Người giáo viên theo dõi và vạch ra lộ trình phát triển riêng sao cho phù hợp với đặc điểm và tốc độ phát triển của từng trẻ; vì thế, “thuận theo trẻ” luôn là nguyên tắc dẫn đường trong phương pháp Montessori.

3. Học qua trải nghiệm và tương tác cùng học cụ

Với trẻ, học cần phải trải nghiệm cụ thể và tương tác cùng vật chất. Học cụ Montessori tuần tự đi từ cụ thể đến trừu tượng để giúp trẻ kết nối cái trừu tượng với cái cụ thể ngoài đời sống. Một môi trường học tập cần đáp ứng nhu cầu khám phá đúng độ tuổi, đúng khả năng, và có tính hấp dẫn.

Dựa trên hơn 20 năm quan sát và nghiên cứu về đặc điểm của trẻ trong độ tuổi này mà Bà Maria Montessori đã chọn lọc các học cụ đưa vào môi trường. Các lĩnh vực thiết yếu đã được nghiên cứu và sắp đặt một cách khoa học bao gồm Thực hành cuộc sống, Cảm quan, Ngôn Ngữ, Toán học, Khoa học, Nghệ thuật.

4. Học là để giải quyết một vấn đề

Rất nhiều trẻ theo phương pháp Montessori có thể đọc viết hay làm toán khi vừa lên 4, thậm chí có thể làm nhân chia tới hàng nghìn. Đây không phải là vì bé bị bắt ép học mà bé có một nhu cầu được hiểu về lượng và cách chia sẻ như thế nào là công bằng, và phương pháp Montessori có học cụ hỗ trợ để bé nắm bắt bản chất của phép tính.

Bé sẽ chăm chú lắng nghe cô phát ra một âm và cách cô dùng một kí tự để biểu thị âm đó, là quá trình giải mã tín hiệu giao tiếp mà tổ tiên ta tạo ra. Đây là những nhu cầu tất yếu của xã hội loài người trong quá trình sống, lao động và tiến đến văn minh; và trẻ được trải nghiệm lại quá trình đó để hiểu bản chất của những sáng tạo này.

5. Sự mãn nguyện trong nội tâm là phần thưởng của việc học

Bạn sẽ rất ngạc nhiên khi thấy những đứa bé 3 tuổi đang cặm cụi rửa chén, lau bàn, xếp khăn, quét rác, hay cố gắng cầm chén sứ về chỗ ngồi mà không làm rơi vỡ…với ý thức trách nhiệm và sự cẩn trọng. Gương mặt bé ánh lên vẻ tự hào và mãn nguyện khi hoàn thành những công việc đó.

Sự mãn nguyện trong nội tâm là phần thưởng trọn vẹn cho việc học mà bé có cần một chứng nhận nào đâu. Người giáo viên Montessori hiếm khi dành quá nhiều lời khen hay sự cổ vũ liên tục vì trẻ không làm việc vì những sự tán dương đó. Trẻ làm, vì đó là thôi thúc bên trong muốn có khả năng làm được việc đó mà thôi. Trong giáo dục Montessori, chúng tôi gọi đó là sự hợp nhất ý chí – trí tuệ – vận động của một con người.

Người viết: Cô Ngọc – Hiệu trưởng trường Nido