31/08/2024 - 5 phút đọc
> Giáo dục Montessori
Dr. Maria Montessori – Cuộc Đời & Sự Nghiệp
Chia sẻ

KỶ NIỆM 154 NĂM NGÀY SINH CỦA BÀ MARIA MONTESSORI, NIDO xin phép được chia sẻ một trích đoạn để chúng ta có thể hiểu hơn về Cuộc đời & Sự nghiệp của Bà, nền tảng giáo dục và con đường đưa Bà đến với sự nghiệp Giáo dục trẻ.

——

Maria Montessori được sinh ra bởi Alessandro Montessori và Renilde Stoppani tại thị trấn Chiaraville, tỉnh Ancona, Ý vào năm 1870. Cha bà, Alessandro Montessori, là một quân nhân. Mẹ của Maria, Renilde Stoppani, là một phụ nữ có học thức cao. Maria là một học sinh xuất sắc và cũng giỏi trong các trò chơi và các môn thể thao. Người phụ nữ đầu tiên tốt nghiệp Y khoa tại đại học Rome (1894).

Vào thời đại Montessori sinh sống, Đại học Rome không cho phép Maria Montessori đăng ký học ngành y vì Montessori là nữ giới. Năm 1892, Maria đã vượt qua tất cả những kỳ thi cần thiết để có đủ điều kiện theo học ngành y. Vào năm 1896, Maria trình bày luận văn của mình cho Hội đồng. Họ rất ấn tượng với công việc của Maria và cấp cho Maria bằng Bác sỹ Y khoa. Như vậy Maria đã trở thành người phụ nữ đầu tiên tốt nghiệp y khoa tại đại học Rome.

Sự thành công trong phương pháp của Montessori để hỗ trợ những trẻ em thiểu năng ở Scuola Orthofrencia đã khiến Bà đặt ra những câu hỏi về nền giáo dục truyền thống “bình thường” và những nguyên nhân khiến trẻ em thi trượt. Trong nỗ lực tìm hiểu thêm về hoạt động của tâm trí con người, Maria Montessori trở lại Đại học Rome để theo đuổi tâm lý học và triết học.

Năm 1904, Bà được bổ nhiệm làm Giáo sư nhân chủng học tại trường Đại học. Maria được yêu cầu mở một trường học cho trẻ em trong một dự án phát triển khu ổ chuột ở quận San Lorenzo ở Rome. Một ngôi trường được thành lập vào ngày 6 tháng 1 năm 1907. Nó được đặt tên là “Casa dei Bambini” có nghĩa là Ngôi nhà Trẻ thơ. Casa dei Bambini bắt đầu với sáu mươi đứa con có cha mẹ là những công nhân trong tầng lớp lao động.

Maria đã phát triển hệ thống giáo dục của mình thông qua việc quan sát một cách khoa học về khả năng hấp thụ kiến thức không nỗ lực của trẻ em từ môi trường xung quanh, cũng như niềm đam mê không mệt mỏi của trẻ trong việc tương tác với những vật liệu trong môi trường. Mỗi một món học cụ, hoạt động, phương pháp mà Maria phát triển đều dựa trên những gì bà quan sát thấy rằng trẻ em đang tự làm mọi thứ một cách “tự nhiên” mà không cần sự trợ giúp của người lớn. “Trẻ tự dạy bản thân” – một sự thật đơn giản nhưng sâu sắc này đã truyền cảm hứng cho việc theo đuổi phương pháp giáo dục trong suốt cuộc đời của Maria Montessori. Tâm lý học Trẻ em, những chương trình đào tạo Giáo viên – tất cả đều dựa trên sự cống hiến của Bà trong việc thúc đẩy quá trình tự kiến tạo của trẻ.

Trích từ Tạp chí Montessori – Dõi Theo Trẻ của Vietnam Montessori Center, Ấn bản mừng Xuân 2024

Hình ảnh: sưu tầm