“Các bài tập đời sống thực tiễn” (Exercises of Practical life) là một thuật ngữ được sử dụng trong Ngôi nhà Trẻ thơ dùng để mô tả những hoạt động sinh hoạt hằng ngày giống như cách người lớn vẫn đang làm để duy trì cuộc sống của mình.
Nếu như người lớn làm vì những mục đích cụ thể là để vận hành cuộc sống của mình, thì trẻ thể hiện sự hứng thú mạnh mẽ, muốn là một phần của các hoạt động đó, “xin được giúp đỡ” người lớn để được làm. Vậy tại sao trẻ lại hứng thú với những hoạt động quá đỗi bình thường, đến mức nhàm chán đối với người lớn?
Sau rất nhiều năm quan sát, Bà Maria Montessori đã kết luận: đối với trẻ, thực hiện các bài tập đời sống thực tiễn có chức năng quan trọng hơn; đó không chỉ là những hoạt động mang tính chất duy trì cuộc sống như người lớn, mà còn giúp trẻ phát triển và sáng tạo.
Khi trẻ thực hiện những hoạt động này, trẻ tham gia một cách trọn vẹn và toàn diện. Vậy điều gì ở những hoạt động ấy lại có thể đóng vai trò xây dựng sự phát triển của trẻ?
– Mục đích của những hoạt động này rất đơn giản, rõ ràng và cụ thể, chúng có quy trình dễ hiểu từ điểm bắt đầu cho đến điểm kết thúc (chỉ trong một khoảng thời gian ngắn). Ví dụ như là: quét nhà, lau kính, tưới cây, cài nút áo…
– Các hoạt động này có sự nổi bật về mặt chuyển động, các thao tác dễ nhìn và phù hợp với khả năng của trẻ trong giai đoạn đầu đời. Hai đặc điểm này làm cho các hoạt động này dễ hiểu với trẻ.
– Có tính thu hút – nó giống như một lời mời hấp dẫn với ý chí của trẻ. Khi trẻ làm những hành động này mà hiểu rõ mục đích của chúng, trẻ sẽ đạt được những kỹ năng cao hơn không chỉ trong vận động mà còn là trong ý chí.
04 Nhóm bài tập đời sống thực tiễn:
– Chăm sóc môi trường (quét bụi, lau chùi, giặt rửa, đánh bóng, chăm sóc cây…)
– Chăm sóc bản thân: mặc quần áo, cởi quần áo, tắm rửa, chải tóc…
– Ứng xử xã hội: chào hỏi, đưa ra lời mời, xin lỗi, giữ im lặng….
– Các vận động căn bản: cầm nắm, đặt xuống, nhặt lên, đi, đứng, ngồi…
Bên cạnh những mục đích trực tiếp trẻ có thể thấy được sau khi kết thúc hoạt động (quét nhà xong thì nhà sạch rác) thì các hoạt động đời sống thực tiễn còn mang lại những mục đích gián tiếp có tác động quan trọng đối với sự phát triển của trẻ: Giúp trẻ củng cố và phát triển sự phối hợp vận động và do đó đặt nền tảng cho sự phát triển nhân cách. Nó giúp trẻ thống nhất được suy nghĩ – ý chí- hành động.
Ngoài ra cũng sẽ còn những hệ quả tích cực khác theo sau và được gieo trồng vào vùng đất của sự phát triển như: làm giàu cảm xúc, trân trọng và thấy được vẻ đẹp của các công việc lao động, nhận thức về đòi hỏi của môi trường và nhu cầu của bản thân, phát triển thể chất, xây dựng ý chí và hình thành thói quen thực hiện các công việc hữu ích một cách có ý thức.
Trách nhiệm của Người lớn
Trong Ngôi nhà Trẻ thơ, khi nhận ra nhu cầu của trẻ muốn thực hiện các hoạt động này, Giáo viên có trách nhiệm:
– Chuẩn bị (duy trì và phát triển) môi trường, bao gồm khu vực để trẻ thực hiện hoạt động, và học cụ cần đảm bảo đáp ứng được nhu cầu của trẻ.
– Trình bày học cụ hoặc giới thiệu bài trình bày để trẻ có thể tự hoạt động với tốc độ phát triển của riêng mình.
– Đảm bảo sự tự do cần thiết để trẻ lựa chọn và lặp lại hoạt động trong môi trường đã được chuẩn bị.
Tại nhà, Ba Mẹ có thể mời con tham gia trong một số hoạt động thường nhật như: cùng dọn bàn ăn, lau cửa kính, tưới cây, lau bàn, rửa ly, rửa chén, rửa rau, cắt trái cây bằng các dụng cụ cắt an toàn, gấp quần áo, phơi khăn….
——
NIDO Montessori – Biên soạn dựa trên “Gateways to Montessori Practice” của Indian Montessori Center