20/05/2024 - 07 phút đọc
> Giáo dục
Bố Có Thể Hỗ Trợ Nền Tảng Nhân Cách Cho Con Như Thế Nào?
Chia sẻ

Nếu như Mẹ là người đưa con đến với thế giới, và với con trong những tháng đầu đời Mẹ là cả thế giới. Thì Bố lại là người cho con hiểu rằng “Thế giới ngoài kia không chỉ có Mẹ, mà còn nhiều điều tuyệt diệu khác nữa đang đợi con!”

Người đàn ông đóng góp 1 nửa vật liệu di truyền sinh học để tạo thành sinh thể tuyệt diệu này – em bé của chúng ta. Và vai trò của người đàn ông còn vượt xa hơn thế nữa nếu chúng ta hiểu rằng, trẻ đầu đời cần sự hiện diện và hỗ trợ của người bố để có được trọn vẹn dưỡng chất trong quá trình hình thành nền tảng nhân cách lành mạnh, cân bằng trong những năm tháng đầu đời.

Sự hiện diện và tham gia của người cha vô cùng phong phú và vô cùng thiết yếu trong những năm tháng đầu đời ngắn ngủi quý giá này:

  1. Những tương tác nhẹ nhàng bằng tay của Bố khi em bé trong bụng Mẹ cho em cảm nhận được rằng “Con được đón nhận, thế giới này mong chờ con”.
  2. Những trò chuyện và những bài hát của Bố dành riêng cho em bé trong bụng bầu cho dù lạc tông, sai nhịp thì vẫn là những vật liệu đầu tiên, quan trọng để em bé xây dựng ngôn ngữ nói.
  3. Sự hiện diện của Bố trong lúc lâm bồn là sự trấn an tinh thần để hai mẹ con cùng hợp tác vượt cạn.
  4. Những lời nói yêu thương dẫu có ngớ ngẩn mà Bố trò chuyện với con trong những tháng đầu đời vừa là công cụ xoa dịu tinh thần cho con, và vừa cho con nhìn thấy niềm thoả mãn lớn lao khi con người được giao tiếp với nhau.
  5. Sự có mặt thường trực của Bố trong thời gian Mẹ ở cữ là sự tiếp sức cho Mẹ, để Mẹ vừa bảo vệ được khoảng thời gian cộng sinh quý giá của 2 Mẹ con và đồng thời cho Mẹ những khoảng nghĩ để có thể chăm sóc chính mình và hồi phục trở lại, tiếp tục vai trò quan trọng không thể thay thế của Mẹ với trẻ trong 3 tháng đầu đời.
  6. Sự đồng hành của Bố trong những năm đầu tiên giúp trẻ nhìn thấy hình mẫu của “real man/ người đàn ông đích thực” trong gia đình, cho trẻ xây dựng nhận thức lành mạnh về người bố trong gia đình – đây chính là hình mẫu trẻ có xu hướng trở thành hoặc có xu hướng đi tìm trong tương lai khi xây dựng các môi quan hệ lãng mạn.
  7. Trong khi Mẹ thì thường sẽ là một chiếc tổ an toàn thì Bố cho con những trải nghiệm “bay xa hơn, chạy nhanh hơn, với cao hơn”
  8. Bố thường là người sẽ háo hức trả lời các câu hỏi liên tu bất tận của trẻ lên 2 và sau này cũng là người luôn hào hứng giúp con trẻ tìm câu trả lời về thế giới rộng lớn xung quanh.
  9. Và lời nói vững chắc của Bố thường có sức nặng của một người dẫn đường đáng tin cậy – vừa trao sự tin tưởng, vừa trao sự tự do, đồng thời đưa ra những giới hạn cần thiết để trẻ an toàn, an lạc. Sự chắc chắn này của người Bố sẽ giúp con trẻ vượt qua những cơn thịnh nộ tuổi lên 2, lên 3 theo một cách lành mạnh, cân bằng.

Vai trò của người bố lớn lao như vậy nên để Lót chiếc tổ ấm êm đón con, người bố cũng cần có sự chuẩn bị tương ứng cho chính mình.