10/04/2025 - 5 phút đọc
> Tin tức & Hình ảnh
Ba Mẹ Nên Làm Gì Khi Nói Lời Tạm Biệt Với Con Mỗi Khi Đến Trường
Chia sẻ

Trước hai tuổi, trẻ trải qua một loạt những thay đổi về sự phát triển giúp con sẵn sàng cho một môi trường xã hội mới. Mặc dù ba mẹ vẫn là những người quan trọng nhất trong thế giới của con, nhưng giờ đây trẻ cần mở rộng chân trời xã hội: trải nghiệm với nhóm bạn đồng trang lứa, học cách độc lập về mặt xã hội. Đây là một bước lớn và có giá trị: con học cách hoạt động mà không cần ba mẹ trong một cộng đồng bạn bè và giáo viên.

ĐẦU TIÊN, TRẺ NHÌN THEO BA MẸ 

Việc trẻ cảm thấy lo lắng và không chắc chắn về sự thay đổi này là điều hoàn toàn tự nhiên. Lo âu khi phải tách rời ba mẹ là một phần bình thường trong quá trình phát triển ở lứa tuổi chập chững biết đi. Trẻ cần trải nghiệm và vượt qua cảm giác này ngay từ giai đoạn này để không mang theo nó – với mức độ nghiêm trọng hơn – vào những giai đoạn sau trong đời.

Thường thì việc bắt đầu đi học mẫu giáo lại khó khăn hơn với ba mẹ chứ không phải với trẻ! Trẻ có những trải nghiệm mới, bạn bè mới và hoạt động thú vị trong lớp học; trong khi đó, ba mẹ thường phải quay lại công việc và không ít người rơi vào cảm giác tội lỗi, lo sợ và tổn thương. Nếu bạn đang cảm thấy như vậy, hãy cho phép bản thân được thừa nhận thử thách này, công nhận cảm xúc của chính mình, và đừng ngần ngại tìm kiếm sự hỗ trợ – từ bạn đời, bạn bè, và cả từ phía nhà trường. 

GIÚP TRẺ CÓ TRẢI NGHIỆM TÍCH CỰC

Trẻ nhỏ cũng vô cùng nhạy cảm với cảm xúc của ba mẹ: con rất nhanh chóng nhận ra sự do dự, lo lắng hay căng thẳng. Chính vì vậy, trẻ sẽ cảm thấy yên tâm hơn rất nhiều trước những thay đổi lớn nếu con thấy ba mẹ tự tin, thư giãn và vui vẻ với những thay đổi đó.

Trên thực tế, việc ba mẹ cần thể hiện sự bình tĩnh và thoải mái khi đưa trẻ đến trường, là một điều cực kỳ ý nghĩa. Đừng tỏ ra buồn bã hay xin lỗi trẻ vì phải rời đi. Hãy thể hiện điều đó như một thực tế bình thường trong cuộc sống: “Ba/mẹ yêu con và rất thích ở bên con, nhưng bây giờ con sẽ đến trường, còn ba/mẹ sẽ đi làm; ba/mẹ sẽ quay lại đón con sau.” Nếu trẻ quá sợ hãi, đôi khi việc để lại cho trẻ một món đồ cũng có thể giúp ích: “Con giữ khăn quàng của mẹ nhé, lát nữa mẹ quay lại con đưa lại cho mẹ.”

Đừng do dự hay nán lại lâu hơn chỉ vì trẻ khóc hoặc tỏ ra buồn bã, và cũng đừng cố thương lượng hay “bù đắp” cho trẻ, hoặc không rời đi đúng lúc như đã nói! Tất cả những điều đó chỉ khiến trẻ thêm hoang mang hoặc buồn bã. Sự nhất quán và tự tin chính là chìa khóa để truyền tải một thông điệp rõ ràng đến trẻ: “Ba/mẹ biết con an toàn ở đây, ba/mẹ tin tưởng nơi này, và con cũng có thể tin tưởng như vậy.” Việc xây dựng một thói quen nhất quán, có thể dự đoán được cũng rất hữu ích – chẳng hạn như một cái đập tay đặc biệt, một cái ôm và nụ hôn tạm biệt – miễn là đó là điều trẻ yêu thích và sẵn lòng tham gia.

TRÁNH NHỮNG “LỜI NÓI DỐI TRẮNG” 

Một trong những sai lầm phổ biến nhất mà chúng ta thường mắc phải với trẻ nhỏ, cả trong tình huống này lẫn những lúc khác, là nói những điều không đúng sự thật chỉ để làm trẻ yên lòng. Ví dụ như: “Ba/mẹ sẽ quay lại chỉ sau vài phút thôi” hoặc “Ba/mẹ không rời đi đâu, chỉ ngồi ngoài hành lang thôi mà.” Thay vào đó, việc dạy cho trẻ biết rằng con có thể tin tưởng vào lời nói của bạn sẽ mang lại sự an tâm và hạnh phúc hơn bất kỳ “lời nói dối trắng” nào. Tương tự, đừng vì sợ trẻ khóc mà lén rời đi khi trẻ không để ý – lời tạm biệt có thể khiến trẻ buồn, nhưng nó sẽ xây dựng lòng tin và cảm giác an toàn cho trẻ.

Xin đừng ép trẻ nhỏ phải bắt tay, chào hỏi hay ôm cô giáo nếu trẻ không muốn – các cô giáo sẽ không cảm thấy bị xúc phạm đâu! Nếu ba mẹ bắt tay và chào các cô giáo vào mỗi buổi sáng, thì sớm muộn gì trẻ cũng sẽ vui vẻ bắt chước hành động đó khi con cảm thấy sẵn sàng.

Nguồn: https://montessoriparenting.org/starting-preschool-how-to-handle-saying-goodbyes/

Chú thích: Nido xin phép được thay đổi tên bài viết một chút để Ba Mẹ dễ dàng tiếp cận hơn.