Nếu bạn là cha mẹ của trẻ đang trong giai đoạn chập chững, chắc hẳn bạn đã gặp nhiều khó khăn mỗi khi đến giờ ăn. Tình trạng kén ăn ở trẻ là mối quan tâm chung của các bậc cha mẹ trên toàn thế giới, nhiều người lo lắng rằng việc trẻ kén ăn có thể khiến các con không hấp thụ đủ các dưỡng chất cần thiết.
Khẩu vị và sở thích ăn uống của trẻ nhỏ thay đổi từng ngày nên cha mẹ khó có thể theo kịp. Dưới đây là những lời khuyên của chúng tôi cho các bậc cha mẹ có con kén ăn.
Nếu như bạn chưa thành công ở lần đầu tiên, đừng nản chí, hãy thử lại lần nữa.
Bạn có biết: Trẻ trong giai đoạn chập chững có thể cần thử một món ăn mới hơn 10 lần trước khi quyết định có thích nó hay không. Nếu như con của bạn từ chối ăn một số đồ ăn thì bạn cũng đừng lo lắng quá bởi vì đó là điều rất bình thường. Hãy cho trẻ làm quen dần với những thực phẩm mới và lặp lại những thực phẩm mà trẻ không thích. Một cách khác là trộn một lượng nhỏ thực phẩm mà trẻ không thích với thực phẩm mà trẻ thích. Do khẩu vị của trẻ nhỏ thay đổi liên tục nên mặc dù bây giờ trẻ có thể không thích thức ăn này, sau một tháng trẻ có thể sẽ thích thức ăn đó.
Trẻ trong giai đoạn chập chững có thể cần thử một món ăn mới hơn 10 lần trước khi quyết định có thích món ăn đó hay không.
Hãy cho trẻ ăn nhiều loại thực phẩm bổ dưỡng. Mặc dù trẻ có thể không ăn hết mọi thứ bạn đưa, việc cung cấp cho trẻ nhiều loại thực phẩm bổ dưỡng để trẻ lựa chọn là điều cần thiết.
Hãy để trẻ có cơ hội khám phá màu sắc, kết cấu và hương vị khác nhau của trái cây, rau củ và các nhóm thực phẩm khác: Ngũ cốc, rau mầm, các loại củ và chuối táo quạ, Các loại đậu (đậu, đậu Hà Lan, đậu lăng), các loại hạt, Các sảm phẩm từ sữa (sữa, sữa chua, phô mai), Thịt, cá, thịt gia cầm, Trứng, Các loại rau, củ, quả giàu Vitamin A, Các loại rau, củ, quả khác.
Nếu con của bạn gặp khó khăn trong việc ăn một số loại rau, hãy cho trẻ ăn cả rau sống và rau đã nấu chín, trẻ có thể sẽ thích ăn một trong hai loại.
Làm mọi thứ cùng con
Trẻ càng tham gia nhiều vào việc chuẩn bị bữa ăn thì khả năng trẻ ăn món ăn đó sẽ càng cao. Hãy đưa trẻ đi chợ cùng với bạn, cho trẻ lựa chọn hoặc hỏi trẻ về những loại hoa quả, rau củ và các loại thực phẩm khác mà trẻ thích. Giới thiệu với trẻ tên, hình dạng và mùi vị của các loại thực phẩm. Ở nhà, hãy giao cho trẻ thực hiện những công việc phù hợp với lứa tuổi như trộn thực phẩm trong bát hoặc xếp các loại rau củ đã cắt. Trẻ sẽ cảm thấy tự hào về món trẻ đã làm và hào hứng khi thử món đó.
Tin vào trực giác của trẻ
Đừng tranh cãi với trẻ về phần thức ăn mà trẻ không ăn hết: Nếu như con của bạn không thích ăn món nào đó hoặc chỉ ăn một lượng nhỏ thì cũng không sao cả. Đừng ép buộc hoặc gây áp lực cho trẻ, thay vào đó đừng cho trẻ ăn đồ ăn vặt. Quan trọng là trẻ phải học cách lắng nghe cơ thể mình và nhận biết các biểu hiện đói của bản thân. Miễn là trẻ tăng cân hợp lý, năng động và trông khỏe mạnh thì khả năng cao là trẻ đã ăn đầy đủ chất dịnh dưỡng.
Cho trẻ ăn khẩu phần ăn nhỏ
Kích thước dạ dày của trẻ nhỏ nhỏ hơn người lớn rất nhiều – chỉ bằng khoảng một nắm tay nên trẻ không thể ăn khẩu phần giống cha mẹ. Hãy chắc chắn rằng bạn đang cho trẻ ăn một lượng thức ăn phù hợp với lứa tuổi của trẻ và hãy khen ngợi trẻ khi ăn, dù trẻ chỉ ăn một chút.
Đừng dùng thức ăn làm phần thưởng
Việc dùng thức ăn để khen ngợi hành vi tốt của trẻ sẽ khiến trẻ nghĩ một số loại thức ăn là “tốt” (đồ ngọt) và một số thức ăn khác là “xấu” (các loại rau). Suy nghĩ này sẽ dẫn đến thói quen ăn uống không lành mạnh ở tuổi trưởng thành. Thay vào đó, hãy hứa chơi trò chơi với trẻ hoặc ra ngoài đi dạo – đặc biệt, hãy luôn giữ lời!
Hãy trở thành một tấm gương tốt
Trẻ nhỏ thích bắt chước hành vi của người lớn mà trẻ yêu quý và tin tưởng. Nếu như trẻ nhìn thấy bạn ăn các loại thức phẩm lành mạnh hoặc một loại thực phẩm mà trẻ chưa từng ăn thì khả năng cao trẻ cũng muốn thử loại thưc phẩm đó. Hãy ngồi xuống, cùng ăn với trẻ và nói về đồ ăn bày trên đĩa của bạn và cho trẻ biết đồ ăn đó ngon như thế nào. Bạn có thể nuôi dạy con trở thành một người thích khám phá những món ăn mới nếu trẻ biết bạn đang đồng hành cùng với trẻ.
Nếu như bạn lo lắng về việc ăn uống của trẻ, hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ.
Tác giả: Mandy Rich, Chuyên viên phụ trách nội dung số, UNICEF