Tiếp cận mới của sự giáo dục phải được dựa trên quy luật phát triển tự nhiên. Khi hướng dẫn một đứa trẻ, chúng ta phải tránh quá nghiêm khắc. Chúng ta cũng phải tránh con đường bức ép ngay cả khi chúng ta dùng lời nói dịu dàng. Chúng ta phải đi theo con đường thẳng của tự nhiên, thuận với các quy luật phát triển đã được xác định.
Những quy luật phát triển tự nhiên áp dụng cho cây cối, thú vật và trẻ con theo những cách xác định rõ ràng và bất biến. Bây giờ, chúng ta hãy đề cập tới đứa trẻ trước.
Đứa trẻ là một kẻ kiến tạo vĩ đại, một nhà xây dựng giỏi. Nếu bạn tự hỏi: “Ai đã cho tôi năng lực này, sự thông minh này, kiến thức này mà tôi đang có?” Bạn có thể trả lời: “Đó là một đứa bé. Đứa bé này đã làm cho tôi thành một con người như bây giờ.” Giả dụ cha của bạn chết trước khi bạn sinh ra, bạn vẫn có thể có cùng một năng lực, một trí thông minh và các kiến thức như bạn đang có. Giả dụ mẹ của bạn có thể chết ngay khi bạn vừa sinh ra thì bạn vẫn có thể có năng lực, sự thông minh và kiến thức như bạn đang có. Nhưng nếu đứa bé (là bạn bây giờ) đã chết, nhất định bạn không thể có mặt tại đây, bây giờ.
Điều này là không thể chối cãi. Đây là thực tế lớn nhất của tự nhiên. Đứa bé là kẻ kiến tạo và người làm nên một người lớn. Trẻ thơ là cha của con người.
Chúng ta không cố tình loại bỏ tình cảm và sự tôn kính to lớn đối với cha mẹ của chúng ta. Nhưng chúng ta phải bảo đảm cho đứa bé có sự biết ơn và lòng trìu mến tương tự như sự biết ơn và lòng trìu mến mà chúng ta đã có đối với cha mẹ chúng ta. Bằng cách này, chúng ta không xem đứa bé như là sản phẩm của người lớn nhưng kính trọng đứa trẻ như là người sáng tạo ra người lớn. Đó chỉ là một chu kỳ mà trong đó cả hai, người lớn lẫn trẻ con, có vị trí của họ và ta cần nhìn nhận vai trò của cả hai và tầm quan trọng tương đối của mỗi vai.
Các bạn có thể nói: “Tất cả các điều chúng ta vừa đề cập là rất hay nhưng đứa bé đã làm gì? Nó chẳng làm gì cả ngoài chuyện lớn lên. Vậy, ai làm cho đứa bé lớn lên”.
Nhất định phải có một quyền lực thần thánh giúp cho bé tự tạo ra nó. Trong sự nối kết này chúng ta cũng có thể hỏi: “Bà mẹ đã làm được điều gì?”. Bà ta cũng chỉ chờ thời gian trôi qua và tới thời đứa bé sinh ra. Khi bé sinh ra thì đã là một con người có mắt, có tai, có tay chân. Vậy, bà mẹ đã làm gì? Bà chỉ có chờ đợi và để cho đứa bé trong bụng bà tự phát triển.
Bà mẹ có thể nói như sau hay không: “Tôi muốn tạo dáng mũi của con tôi theo kiểu này nè”. Hay là “Tôi sẽ tạo cho mắt nó màu này nè”. Hay là “Tôi sẽ đúc khuôn cho tay chân nó như thế này nè”. Không, bà mę chỉ chờ đợi. Đứa bé tự nó tiến hóa. Phẩm giá lớn nhất của cha mẹ là họ đã thực sự gánh vác một phần rất quan trọng cho việc ra đời và phát triển của đứa bé. Nhưng sự kỳ diệu của sự sống vẫn còn đó. Phép mầu này cũng xảy ra trong thế giới thực vật như trong thế giới động vật hay trong thế giới trẻ con. Cây cối theo luật phát triển của cây cối; động vật cũng vậy; đứa bé cũng thế. Nhưng có sự tương ứng giữa sự phát triển của đứa bé và sự phát triển của những sinh vật khác.
Chúng ta hãy lấy một thí dụ về sự phát triển của con gà. Trong trứng gà có một chất màu vàng gọi là lòng đỏ, bên cạnh chất gọi là lòng trắng. Ở trung tâm quả trứng có một điểm trắng nhỏ. Chính trên cái điểm nhỏ xíu này mà lực sáng tạo hoạt động. Nếu chúng ta để trứng này vào máy ấp, vặn nhiệt độ thích hợp, đóng máy ấp lại. Chúng ta sẽ thấy chuyện gì xảy ra sau 21 ngày chờ đợi. Chúng ta mở ngăn máy ấp. Nghe có vẻ như có ai gõ cửa. Tiếng gõ này từ bên trong. Thình lình vỏ trứng vỡ ra. Một con gà con ra đời. Nó được bao phủ bởi lông tơ màu vàng. Nó có đôi mắt sáng, đôi mắt này đã nhìn thấy được mọi vật. Chân nhỏ của nó đã có thể đi được.
Chắc chắn là con gà con bé nhỏ này không được tạo ra bởi con gà mẹ. Tuy nhiên theo cách của tự nhiên gà mẹ có một nhiệm vụ để hoàn thành. Giả sử không có máy ấp, gà mẹ sẽ hăng hái đảm nhận nhiệm vụ ấp trứng một cách nghiêm túc. Tinh thần thương yêu cái trứng tự nhiên của gà mẹ khiến gà mẹ toát ra một cơn sốt lạ lùng, và khiến nó ngồi trên mấy cái trứng để cho trứng nhiệt độ cần thiết, đủ để ấp trứng trong ba tuần lễ. Đó là thời gian cần thiết để trứng nở.
Khi trứng đã nở, gà mẹ tiếp tục chăm sóc con. Nó gom con dưới cánh, giữ cho chúng ấm áp và bảo vệ chúng. Gà mẹ dạy con cách mổ. Gà con học hỏi theo mẹ. Chúng học bằng cách thực hành. Bạn có thể thấy đàn gà con vui vẻ chung quanh mẹ. Gà mẹ cho gà con sự yêu thương, sự ấm áp và sự hy sinh. Nhưng gà mẹ không làm ra con gà con.
Thử lấy một ví dụ khác. Chúng ta hãy xem sự phát triển của con tằm. Lúc đầu có những điểm nhỏ như hạt cát, tương tự như điểm trắng ở chính giữa trứng gà. Sau một thời gian, từ những hạt nhỏ này xuất hiện những con sâu nhỏ. Bây giờ chúng phải được cho ăn. Con sâu nhỏ này ăn thực vật. Lạ lùng thay chúng tự ăn lá của một loài cây nào đó chứ không ăn bất cứ loại lá nào khác. Con tằm nó háu ăn làm sao! Nó ăn, nó ăn và ăn mãi. Thế là nó lớn và lớn nhanh như khi nó ăn. Nhưng chuyện gì sẽ xảy ra cho con tằm đáng thương nếu nó không có đủ những lá cây này để ăn? Trong thiên nhiên đã an bài cho loại trứng này được nở trên loại cây đặc biệt này.
Chuyện gì xảy ra cho con bướm đã đẻ ra các trứng sâu này? Con bướm chết ngay sau khi đẻ trứng. Nó đã đẻ các trứng này nơi các con nó sẽ được an toàn. Nó đã để các trứng của nó trên một loại cây nơi mà lá của loại cây này sẽ là thức ăn đặc biệt cho con nó; con bướm không bao giờ có dịp thấy được các con tằm, con của nó. Có một quy luật và mệnh lệnh huyền bí mà bướm mẹ phải vâng lời. Tuy nhiên nó đã cung cấp cho các con tằm những điều kiện và phương tiện cần thiết để giúp cho con tằm tự phát triển.
Sử dụng các điều kiện đã được cung cấp, con tằm bắt đầu tự phát triển. Nó xây dựng một cấu trúc tuyệt vời gọi là cái kén. Với một sợi chỉ liên tục nó làm nên con nhộng có cùng hình dạng. Con người dùng cái kén để làm áo quần đẹp cho phụ nữ, áo lễ cho thầy tu và áo choàng cho các ông hoàng và nhiều loại quần áo khác bằng thứ được gọi là lụa. Vậy, thành tựu của con tằm đã thuận theo quy luật tự nhiên của Tạo Hóa.
Chúng ta cũng có thể đưa ra nhiều thí dụ khác trong thế giới thực vật hay động vật để cho thấy cách mà các sinh vật tự tạo thành bằng cách tự hoạt động. Xin hãy kết thúc chương này với hình ảnh cây sồi uy nghi, nó tăng trưởng mà không lệ thuộc vào bất cứ cái gì từ cây mẹ. Đây là bí mật về sự sáng tạo của tạo hóa.
Tăng trưởng và phát triển qua việc tự hoạt động là phép lạ lớn nhất của Thiên Nhiên.
Phát triển của mỗi sinh vật phải được hoàn tất trong khoảng thời gian chính xác đã được ban cho. Chúng ta biết tới cái phút chính xác là bao lâu để một cái mầm nhỏ phát triển. Không có ai gắn bó hơn với thời biểu cũng như trung thành với nó bằng bất kỳ sinh vật nhỏ bé nào đang trong tiến trình phát triển. Không có thí dụ nào tốt hơn về sự tuân theo hoàn toàn các quy luật của thiên nhiên hơn là hiện tượng sáng tạo. Đó là một loại vâng lời mà không có khả năng từ khước.
Khi mọi thứ đều tuân theo một mệnh lệnh huyền bí, khi mà mọi vật đều tuân theo sự hoàn thành viên mãn của một kế hoạch, có thể nào chỉ có con người là không đi theo quy luật nào để phát triển hay không? Chúng ta chỉ cần thừa nhận rằng con người tạo ra chính mình theo đúng các quy luật sinh trưởng và phát triển. Con người thường bị mù lòa đối với thực tế này. Chính sự che giấu vô thức này ngăn cản điều kỳ diệu tự hé lộ cho chúng ta.
Một chiếc lá bật ra từ một cái nụ chồi non là một sinh vật đang phát triển dưới mắt của bạn; bông hoa cũng vậy; một bào thai cũng vậy. Bào thai trải qua sự thay đổi đang diễn biến và mỗi thay đổi phải ở một thời điểm đặc biệt, theo đúng một lịch trình đặc biệt. Và một đứa bé được sinh ra trên trái đất này, không nói năng, không lý luận, không vận động nhịp nhàng và nó trở thành một sinh vật độc lập, nói, hiểu và vận động. Có lẽ nào chuyện này xảy ra mà không tuân theo mệnh lệnh hay quy luật nào của Tự Nhiên chăng?
Luật phát triển là đây. Chúng phải được quan sát, được xác định và được tuân theo. Đứa bé phải có được sự tự do phát triển trong các quy luật phát triển tự nhiên của tạo hóa.
Nguồn: Trích từ Chương 4 sách “Cần biết gì về đứa trẻ của bạn” – Maria Montessori, Nguyễn Thị Phi Phượng dịch.