07/01/2024 - 10 phút đọc
> Giáo dục
05 Bước giúp con xây dựng não bộ
Chia sẻ

Mối quan hệ giữa trẻ em và người lớn mang tính phản hồi và chú ý — với nhiều tương tác qua lại — xây dựng một nền tảng vững chắc trong não bộ của trẻ cho tất cả quá trình học tập và phát triển trong tương lai. Điều này được gọi là “giao bóng và trả bóng” (“serve and return”), và nó cần có hai bên để thực hiện! Hãy làm theo 5 bước sau để thực hành “giao bóng và trả bóng” cùng con bạn.

“Giao bóng” và “trả bóng” giúp cho những khoảnh khắc hàng ngày trở nên vui vẻ và dần trở thành bản năng thứ hai khi chúng ta liên tục thực hành. Bằng cách bắt lấy những khoảnh khắc nhỏ trong ngày để thực hiện “giao bóng” và “trả bóng”, bạn xây dựng nền tảng cho việc học tập suốt đời của con, và cả hành vi, sức khỏe, cũng như kỹ năng đối mặt với những thách thức trong cuộc sống.

Bước 1: CHÚ Ý NHỮNG LẦN “GIAO BÓNG” VÀ CHÚ Ý VÀO NHỮNG GÌ CON ĐANG TẬP TRUNG

Con đang nhìn hoặc chỉ vào thứ gì đó? Con đang phát ra âm thanh hoặc thể hiện biểu cảm trên gương mặt? Con di chuyển cánh tay hay đôi chân bé nhỏ của mình? Đó là một lần “giao bóng”. Mấu chốt ở đây là chú ý xem con tập trung vào điều gì. Bạn không thể dành cả ngày để làm việc này, vì vậy hãy tìm những cơ hội nho nhỏ trong suốt cả ngày – chẳng hạn như khi bạn mặc đồ giúp con hay khi chờ xếp hàng ở cửa hàng.

TẠI SAO? Bằng cách chú ý những lần “giao bóng”, bạn sẽ hiểu được rất nhiều về khả năng của con, những sở thích và nhu cầu của con là gì. Bạn sẽ khuyến khích để con khám phá và củng cố sự gắn kết giữa bạn và con.

Bước 2: “TRẢ BÓNG” LẠI THÔNG QUA VIỆC HỖ TRỢ VÀ KHÍCH LỆ 

Bạn có thể trao cho con sự thoải mái với những cái ôm và lời nói nhẹ nhàng, giúp đỡ con, chơi

với con, hoặc công nhận con. Bạn có thể phát ra âm thanh hoặc biểu cảm trên gương mặt — như nói, “Ba/mẹ hiểu rồi!” hoặc mỉm cười và gật đầu để con biết bạn cũng đang nhận thấy điều tương tự. Hoặc bạn có thể nhặt lên một vật mà con đang chỉ vào và mang nó đến gần hơn với con.

TẠI SAO? Việc ba mẹ hỗ trợ và khích lệ con thể hiện sự trân trọng với sở thích và tính tò mò của con. Thật ra, không bao giờ nhận được sự đáp trả có thể khiến con bị căng thẳng. Khi bạn “trả bóng lại”, con biết rằng suy nghĩ và cảm xúc con được lắng nghe và thấu hiểu.

Bước 3: GỌI TÊN 

Khi bạn trả bóng lại bằng cách gọi tên những gì con đang nhìn thấy, đang làm hoặc đang cảm thấy, bạn làm cho những ngôn ngữ quan trọng được kết nối trong não của con, thậm chí trước khi con có thể nói hoặc hiểu được những từ ngữ bạn dùng. Bạn có thể gọi tên cho bất kỳ điều gì — một người, một sự vật, một hành động, một cảm giác hoặc một sự kết hợp. Nếu con chỉ vào chân của con, bạn cũng có thể chỉ vào chúng và nói, “Ừ, đó là đôi chân của con!”

TẠI SAO? Khi bạn gọi tên những gì con đang tập trung vào, bạn giúp con hiểu về thế giới xung quanh con và biết mong đợi điều gì. Gọi tên cũng cung cấp cho con các từ để sử dụng và cho con biết bạn quan tâm đến con.

Bước 4: LUÂN PHIÊN NHAU….VÀ CHỜ ĐỢI. GIỮ TƯƠNG TÁC QUA LẠI 

Mỗi khi bạn trả bóng, hãy cho con một cơ hội để trả lời. Thay phiên nhau có thể diễn ra nhanh chóng (từ con đến bạn và lặp lại) hoặc tiếp tục nhiều lượt nữa. Chờ đợi là rất quan trọng. Con cần thời gian để hình thành phản hồi, đặc biệt là khi con đang học rất nhiều thứ cùng một lúc. Chờ đợi giúp cho các lượt có thể tiếp tục.

TẠI SAO? Thay phiên nhau giúp đỡ con học cách tự chủ và cách hòa hợp với những người khác. Bằng cách chờ đợi, bạn cho con thời gian để phát triển ý tưởng của riêng mình và xây dựng sự tự tin và độc lập. Chờ đợi cũng giúp bạn hiểu được những nhu cầu của con.

Bước 5: THỰC HÀNH KẾT THÚC VÀ BẮT ĐẦU 

Con báo hiệu khi con làm xong hoặc sẵn sàng chuyển sang một hoạt động mới. Con có thể buông một món đồ chơi, nhặt một cái mới hoặc quay lại xem cái gì đó khác. Hoặc con có thể bỏ đi, bắt đầu trở nên ồn ào hoặc nói, “Xong rồi!” Khi bạn chia sẻ được sự tập trung ở con, bạn sẽ nhận thấy khi nào con đã sẵn sàng để kết thúc hoạt động và bắt đầu một thứ gì đó mới.

TẠI SAO? Khi bạn có thể tìm thấy những khoảnh khắc để con có thể dẫn dắt, bạn có thể hỗ trợ con khám phá thế giới của mình — và tạo ra được nhiều tương tác qua lại với con.

Nguồn: 5 steps for Brain-Building Serve and Return, Trung Tâm Nghiên Cứu về Phát Triển ở Trẻ – ĐH HARVARD